Nắng nhạt

Nắng nhạt

Nắng nhạt
nắng nhạt

Nắng nhạt

Thy bước ra nhìn trời, mây thấp xuống âm u như muốn chuyển mưa. Từng cơn gió mang hơi nước, cuốn bụi, thổi ngược chiếc nón lá của Thy. “Cầu trời đừng mưa!” Thy nguyện thầm.

Cứ khoảng 3 giờ chiều Thy lại dọn hàng đi bán, đúng giờ anh xe ôm chở thuê lại đến, lâu ngày thành mối, anh ta vốn ít nói, vậy mà công việc của Thy anh thuộc nằm lòng, cứ thế không cần phải dặn dò chi. Bữa nào cũng bung dùm cho Thy cái dù che mưa, nắng.

Thy bán hàng ăn ở chợ chiều. Dân Sài Gòn thích ăn vặt. Ẩm thực đường phố trở nên hấp dẫn, sau một ngày làm việc, có thể cùng bạn bè thư giãn, tự thưởng cho mình, chợ không thiếu món gì. 

Chồng Thy lở thầy, lở thợ nên cứ phải đi kiếm cơ hội…

Tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào gánh hàng của Thy. Có những chiều con trai không có tiết học, ra chợ phụ mẹ. Những món ăn sang trọng từ nhà hàng được bày bán vỉa hè đông khách. Thy bán hàng mềm mỏng nên rất được lòng. Trời thương ngày nào cũng bán hết.

Có lần con trai chở cho mẹ nồi súp lớn, trên chiếc Ba-bét-ta cũ kỹ, chân phải nhón mới tới đất, không giữ được nồi súp đổ sạch. Thy sợ hãi, điếng người. Cảm giác như có vật nhọn đâm vào tim đau nhói, cảnh nhà nghèo, con phải làm những việc cố ngoài sức vóc. Thật xót! Ước gì mẹ dang tay đủ rộng để ủ ấp con, có thể lót đường cho đôi chân non nớt con đi. Chắc là con sợ hãi lắm! Cũng may con trai không bị bỏng, cảm giác đó cứ còn mãi ám ảnh Thy.

Nỗi lo lắng của Thy không tránh khỏi. Gió từ đâu đưa mây xám xịt một góc trời. Mưa bắt đầu rơi, cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt. Chợ chiều nhốn nháo, mọi người lo che chắn. Thy chồng hết bàn ghế lại, hạ bớt cây dù, rồi đứng giữ chặt. Sợ gió hất tung, sợ mưa bong bóng biết đến bao giờ mới tạnh.

Sài Gòn những chiều mưa, có cơn mưa như nghiêng trời đổ nước. Nỗi lo nhiều hơn cơn gió lạnh, gian hàng vừa mới dọn ra, bán chưa hết, nếu mưa lâu, nước ngập, những chiếc ghế nhựa bắt đầu trôi.

Những ngày mưa như thế này, Thy phải bán tới khuya trong bộ đồ ẩm ướt. The thắt theo từng cơn gió, Thy rùng mình. Nhọc nhằn nào cô cũng qua được. Chỉ là nỗi buồn… Nỗi buồn ăn mòn tâm tư, khi con đường phía trước còn thăm thẳm, cô không cho phép mình gục xuống.  Tan buổi chợ, con trai phụ mẹ dọn hàng. 

Chồng Thy chắc còn ngoại giao đâu đó!

Tiền kiếm được, phải ưu tiên tiền nhà, tiền học con, còn lại chi tiêu trong nhà. Một hôm, chồng Thy bắt gặp Thy cất tiền trong tủ quần áo. Đó là số tiền vừa đủ, để dành đầu năm đóng tiền học cho con sắp tới. Sự giận dữ không kiềm chế được, những âm thanh không đẹp dội vào tai Thy:

– Bà cất tiền riêng!

– Bà sống kiểu: “Cục c… gối đầu nằm!”

– Bà không quan hệ ngoại giao, ai chơi với bà!

Không chịu được sự sỉ nhục, Thy đứng bật dậy trả lời:

– Phải! Thy không biết ngoại giao, Thy không cho phép mình phí phạm thời gian cũng như tiền bạc cho những cuộc gặp vô nghĩa. Nhà này một mình anh ngoại giao đủ rồi.

Thy tức tối bật khóc, từng lời nghẹn đi vẫn nói:

– Tôi nói cho anh biết! Từ nay trở đi, tôi không để dành một đồng bạc nào, cho dù có lăn đùng ra chết!

Chồng Thy tròn xoe mắt ngạc nhiên, vì mỗi lần giận Thy làm thinh không nói, bỏ đi chỗ khác.

Hai đứa nhỏ dúm vào một góc sợ hãi.

Thy đau như cắt. Có chút nắng nào còn sót lại vụt tắt trong lòng Thy. Sự tổn thương như từng mảnh vỡ nhói buốt lòng tự trọng. Đêm nằm ôm con, nước mắt chảy tràn ngập nỗi lo. Lo trái gió trở trời, lo ba mẹ già ở quê lở có chuyện, lo con không tiền đi học.

Trước đây khi còn là giáo viên. Thu nhập không đủ để lo cho gia đình. Thy đã phải bỏ nghề ra ngoài bươn chải, đó là điều tiếc nuối không nguôi. Thy tự dặn lòng: “Dù có khó khăn đến mấy cũng phải cho con đến trường, vì chỉ có đi học mới thoát nghèo.”

Sống ở thành phố. Nhà nào biết nhà đó. Không hàng xóm láng giềng, đêm hôm có chuyện biết vay mượn ai. Thy nhớ quê. Hàng xóm láng giềng chạy qua, chạy lại. Củ khoai, trái ớt mà ấm áp nghĩa tình. Ra đi mưu cầu được vươn lên. Thy chợt nhớ câu nói của ông bà: “ Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn.” Tiếng thở dài được nén lại.

Ngày mai! Lại một ngày mai! Hôm qua nói mạnh miệng như thế, vậy mà…! Hôm nay Thy dọn hàng đi bán chợ chiều, lại cất những khoản tiền riêng. Nỗi lo sợ có thua gì nỗi đau! Mỗi một ngày qua, mỗi một đồng tiền cất riêng như vết cắt trong lòng Thy. Nghĩ thương con, Thy gạt bỏ nỗi muộn phiền.

Đó là khoảng thời gian đầu ở xứ người. Gánh hàng nhỏ Thy đã đưa được con đến trường. Chút nắng nhạt không đủ để sưởi ấm, căn nhà trọ trở nên rộng thênh thang như con đường hằng đêm Thy trở về.

Chồng Thy vẫn ngày ngày đi tìm cơ hội. Mọi việc làm xuất phát từ sự tự nguyện mới có kết quả tốt. Chính vì lẽ đó, Thy không bao giờ tạo áp lực, luôn mong cho anh tìm được một công việc phù hợp, chỉ mong anh sống tốt, sống trách nhiệm với hai chữ “gia đình”.

Bên ngoài nắng và gió vẫn quấn quýt yêu thương, đẩy những cụm mây xám về cuối chân trời. Trên nhánh sầu đâu trước hiên nhà, có đôi chim đang nhảy nhót chuyền cành, líu lo hót. Ngẩn ngơ đứng nhìn. Thy nghe lòng mình nhẹ hơn. Cuộc đời mỗi người giống như con thuyền ra biển khơi. Cảm xúc như từng con sóng có thể nhấn chìm bất cứ lúc nào. Có lúc chênh chao, mệt mỏi, nhưng đã làm mẹ rồi thì hãy mau mà vững lại để làm điểm tựa cho các con và đi cùng con từng bước trên con đường phía trước. Hãy gom những niềm vui nho nhỏ. Như hoa nắng lung linh để thấy nhà mình còn ánh sáng, còn hơi ấm cho các con.

Với tay lấy chiếc nón lá đội lên đầu, ra ngõ, ngoắc chiếc xe ôm, Thy lại đi chợ.

Lê Yên
8/17

Cánh diều

Cánh diều

CÁNH DIỀU
CÁNH DIỀU

Cánh diều

Ông Viễn bật cầu dao điện cho giàn phun sương. Những chậu cây cảnh thỉnh thoảng ông mua về đã chật khoảng sân trước nhà. Ông dậy sớm tập thể dục, chăm sóc vườn cây với không khí trong lành sớm mai đã trở thành thói quen nhiều năm nay.

Tất cả thật nhẹ nhàng, dễ chịu. Cứ thế cho đến khi tia nắng đầu tiên trong suốt xuyên qua từng cây lá, ánh vàng mỏng như cánh gián thật đẹp. Tới giờ ông chuẩn bị đi làm, chợt thấy cánh diều vướng trên hàng rào, ông nhẹ nhàng gỡ cánh diều mắc nạn đứt dây từ tay chủ nhân của nó. Chợt bùi ngùi nhớ…

***

Làng quê nằm dưới chân núi, chỉ có một con đường cắt đôi vùng đất thẳng ra biển. Khí hậu ảnh hưởng giữa cao nguyên và gió biển, sáng tối se lạnh. Cái lạnh miết vào da thịt, vai so lại co ro.

Ngày nắng rát cùng gió biển, từng cơn gió mang hơi nóng thổi thốc vào nhà, hanh như ngày hè thiếu mưa.

Chiều xuống những ngọn núi sẫm một màu tím trông thật huyền bí, vắt ngang những làn khói mỏng như chiếc yếm lụa của tiên nữ hạ phàm để quên.

Gia đình Phong Viễn đã chọn nơi đây làm quê hương với sự đẩy đưa của thời cuộc.

***

Bạch Vân, cô bạn nhỏ hơn Phong Viễn hai tuổi. Nhà Bạch Vân ở ngọn núi phía Tây, mặt quay về hướng Đông. Đường đi về độc nhất phải ngang qua nhà Phong Viễn, con dốc lượn theo triền núi lồng lộng gió.

Không biết gia đình sống ở đây đã bao lâu, nhưng khi có trí khôn Bạch Vân đã cho đây là quê hương mình. Hai đứa cùng đi, về trên con đường làng đến trường. Với những ngày mưa gió Phong Viễn đưa Bạch Vân tận nhà trên con đường trơn trượt sũng nước mùa đông. 

Thời gian vội qua. Hết những ngày bắt bướm hái hoa, cùng nhau lên núi hái sim rừng túm trong vạt áo, tìm một chỗ ngồi ăn, để mặt mày hai đứa loang tím, rồi nhìn nhau cười vọng cả không gian. 

Lên cấp ba, lớn cùng thời gian. Không biết từ khi nào giữa hai đứa đã có một khoảng cách giới tính. Bạch Vân e dè hơn, ra dáng thiếu nữ, xinh đẹp, dịu dàng, khẽ khàng trong tà áo dài trắng đến trường.

Làng quê với người dân hiền hòa, sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Có những năm hạn hán mất mùa nên việc cho con tới trường ít nhiều ảnh hưởng.

Phong Viễn có thêm một cậu em trai nhỏ hơn năm tuổi. Cuộc sống gia đình dựa nhiều vào mẹ, buôn bán ở chợ. Ba làm vườn mỗi năm chỉ thu được một hai vụ, có được có mất.

Tiếng trống tan trường đã điểm. Phong Viễn vội thu hết sách vở cho vào cặp, không kịp sắp cho ngay ngắn đã phóng ra cửa mong kịp cùng về với Bạch Vân.

Năm nay là năm cuối trung học của Phong Viễn. Ra tới cổng trường thấy Bạch Vân đi cùng mấy bạn, Phong Viễn giả vờ đi chậm lại phía sau. Trộm ngắm vóc dáng thon thả, mái tóc dài óng mượt ôm mềm phiến lưng xuân thì con gái.

Chơi với nhau từ nhỏ, nhưng tình cảm đó không còn đơn thuần là một tình cảm anh, em. Hình bóng Bạch Vân đã ăn sâu trong tâm Phong Viễn, có một tên gọi. Đó là tình yêu. Chỉ âm thầm, chưa một lần dám nói, dặn lòng phải thổ lộ tình cảm trước khi rời ngôi trường trung học này. Mãi nghĩ mông lung Bạch Vân đã qua ngã rẽ con đường về chung. Phong Viễn bước vội khẽ gọi:

– Nhỏ chờ anh với! 

Bạch Vân giả vờ không nghe. Tiếng bước chân Phong Viễn như gấp hơn, vừa thở hổn hển vừa trách:

– Sao anh gọi nhỏ không trả lời? 

Bạch Vân nghiêng đầu tủm tỉm cười.

– Anh Phong Viễn gọi ai?
– Gọi Bạch Vân chứ ai.
– Người ta lớn rồi, cứ nhỏ hoài.
– Thì không phải trước giờ quen gọi vậy sao!?

Trước đây những lần chung đường hai đứa hồn nhiên cười nói, như đôi chim sáo vô tư, còn bây giờ con đường đếm bước chân, có lúc Phong Viễn lúng túng không biết nói chuyện gì. Bên trong rất nhiều những ước mơ, ấp ủ cho tương lai… 

Quay sang Bạch Vân.

– Này nhỏ, học xong thích làm gì?
– Nhỏ thích làm bác sĩ hoặc cô giáo. Còn anh Phong Viễn thì sao?

 Dõi xa tầm mắt, giọng Phong Viễn trầm hẳn xuống:

– Anh muốn học bác sĩ rồi về đây làm việc trên quê hương mình, giúp những người nghèo. Hay làm một kỹ sư lâm nghiệp! Anh yêu màu xanh bạt ngàn trên những ngọn đồi, những khu rừng đã chết cần được hồi sinh. Màu xanh bảo vệ môi trường sống cho con người. 

Phong Viễn chợt buồn, điều kiện cuộc sống còn khó khăn, không biết ước mơ mình và Vân có đạt được không. 

Lên hết con dốc dài sườn núi là đến nhà Bạch Vân. Mặt trời xuống, trải một màu lam tím cho làng quê yên ã. Xa xa, khói bếp vươn lên thong thả giữa trời, tan loãng vào bóng chiều.

Mùa hè đến, cũng là lúc Viễn chia tay trường trung học, một ký ức dài tuổi hoa niên với từng khuôn mặt thân quen của thầy, cô, bạn bè. Tình cảm đó được trân quý gói cất vào bên trong.

Mùa thả diều vào những ngày đầu hạ, trẻ con trong xóm tụ tập lại khoảng đất trống cuối thôn, những cánh diều xanh đỏ đủ màu đua nhau lượn giữa từng trời. Mùa diều nào cũng có mặt Phong Viễn. Bạch Vân đứng bên cạnh vỗ tay mỗi lần cánh diều Phong Viễn bay lên cao nhất. 

Lớn rồi Bạch Vân không còn phơi nắng theo Viễn thả diều. Từ nhà, Bạch Vân dõi mắt theo những cánh diều tuổi thơ, mang theo ước mơ giấu kín bay vào không gian, gởi cho gió ngàn.

Đêm qua Phong Viễn trằn trọc mãi. Đứng trước mặt Bạch Vân để thổ lộ tình cảm sao mà khó quá, Viễn quyết định viết thư tình nhờ cánh diều đưa giúp. Viết rồi lại xé quăng sọt rác. Viễn vò đầu, nhắm mắt lại định thần, để cảm xúc lắng xuống. Mở cánh cửa sổ phòng.

Bên ngoài một khoảng trời lặng yên với vầng trăng mười sáu tròn vành, sóng sánh qua từng cánh lá xanh, mướt một màu lấp lánh như con sông trăng đang múa lượn giữa cõi nhân gian. 

Viễn yêu vùng đất này, yêu người dân chân chất nơi đây, nơi có người con gái dịu dàng đằm thắm yên vị trong trái tim Viễn.

Hít một hơi thật sâu quay lại với những lời chân thật được viết trên trang giấy học trò: “Anh sẽ là cơn gió/Đưa mây trắng em bay/Qua quãng trời đây đó/ Mỗi ngày tay trong tay… Nhỏ ơi! Từ lâu lắm anh không gọi tên em, hôm nay anh muốn gọi tên em một cách trân trọng nhất, để nói với em: Bạch Vân! ANH YÊU EM. Anh sẽ như cánh diều trong tay em lướt gió mãi mãi, vì sợi tơ lòng anh đã nằm trọn trong em…” 

Phong Viễn gấp lá thơ, ép trong vở rồi đi ngủ.

***

Chiều hè đã dịu cơn nắng, đám trẻ trâu trong làng đua nhau đi thả diều. Phong Viễn lấy con diều cất trên chái hiên xuống.

Buổi thả diều hôm nay thật đặc biệt. Nó không còn là buổi thả diều ăn giải như mọi năm và thật sự ý nghĩa với tất cả tâm ý Phong Viễn gởi vào cánh diều, vượt qua tuổi thơ đến một chân trời mới, trên con đường phía trước.

Ngọn gió Đông – Nam như hiểu được lòng Phong Viễn, cánh diều no gió mang lá thơ bay lên hướng ngôi nhà Bạch Vân cạnh sườn núi Tây – Bắc. Phong Viễn dõi theo cánh diều, dùng tay bắt loa lên miệng gọi lớn “Nhỏ ơi! Bắt lấy.” 

Cánh Diều thẳng cánh, căng sợi dây từ tay chủ nhân, lượn cái đuôi dài như nói với cô gái “Cô ơi có người gởi thư cho cô nè”. 

Bạch Vân với tay nắm lấy con diều, lá thơ cột bên dưới cánh diều như thở phào nhẹ nhõm “Cuối cùng thì ta cũng ở trên tay cô gái, trọn tâm niệm của cậu chủ.”

Phong Viễn thả lỏng sợi dây. Cánh diều mặc sức vươn cao.

Bạch Vân đọc những dòng chữ trên lá thơ, mặt nóng bừng, mắc cỡ. Cảm giác như từng bụi cây ngọn cỏ hiểu được nỗi lòng cô gái xuân thì… Gió lao xao nhiều hơn. Tình cảm mới lớn, sự vỡ ra cảm xúc đầu đời khiến tim Bạch Vân đập dồn. Tình cảm này giữa Phong Viễn và Bạch Vân chỉ cần một cái tên để gọi.

***

Mùa tựu trường, chỉ còn một mình Bạch Vân trên con đường đến trường. Phong Viễn thi đậu Y khoa, là niềm tự hào không chỉ riêng gia đình, làng quê vui hẳn lên. Ai cũng cầu chúc cho sự khởi đầu và chờ mong một kết quả tốt đẹp. 

Hôm chia tay dưới con đường họ đã qua mỗi ngày, họ đi từng bước chậm như sợ điểm dừng. Mọi cảnh vật hai bên nín lặng nhường không gian cho đôi bạn trẻ. Họ bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm thời thơ ấu qua đi trong mỗi mùa mưa nắng, từng con trăng dõi theo rưng rưng thương cảm.

Phong Viễn nắm tay Bạch Vân. Bàn tay nhỏ khẽ run trong hơi ấm khác lạ và cứ thế họ nắm tay nhau đi vòng ra phía sau nhà Bạch Vân, nơi có con suối cạn chỉ đầy nước vào mùa mưa.

Hai bên con suối có những tảng đá chồng rất đẹp. Trời đất làm chứng cho tình yêu của họ, cho nụ hôn đầu đời thật nhẹ nhàng tinh khiết. Phong Viễn thì thầm bên mái tóc mây thơm nồng hoa bưởi: 

– Nhỏ chờ anh nhé! 

Bạch Vân dạ nhỏ như một ước hẹn…

***

Thời gian thấm thoát trôi, tới lúc Bạch Vân từ giã mái trường trung học. Gia cảnh đơn chiếc, ba của Bạch Vân không còn. Một mình mẹ bươn chải nuôi con. Bạch Vân thương mẹ, chuyện Bạch Vân vào đại học là một vấn đề lớn.

Trong bối cảnh xã hội kinh tế khó khăn chung, Bạch Vân biết mẹ không đủ khả năng. Chiều xuống mẹ ngồi bên hiên nhà lặng lẽ, dõi mắt xa xăm… Mẹ có niềm vui không? Tối nằm bên cạnh mẹ, dúi mặt vào mái tóc thơm mùi bồ kết, Bạch Vân lên tiếng: 

– Mẹ ơi! Con không học đại học đâu. 

Mẹ quay lại hỏi:

– Sao vậy con? 

   Bạch Vân trả lời:

– Con tính học trung cấp y tế, khóa học chỉ hai năm, sau đó đi làm rồi học liên thông lên đại học. Con biết hoàn cảnh nhà mình, mẹ đừng lo nghĩ quá, vậy đi mẹ nhé!
– Mẹ xin lỗi con. 

Bạch Vân nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài cuối đuôi mắt, ôm sát mẹ như muốn truyền một niềm tin “Chỉ cần có mẹ cạnh bên, con sẽ làm được.”

Nương theo cơn gió Bạch Vân đi vòng ra con suối cạn, chợt nhớ Phong Viễn… Nỗi nhớ như xé từng sợi nhỏ cảm xúc. Đến một hốc đá, trở thành cái ngăn riêng tư được Bạch Vân dùng viên đá khác làm cửa và ngụy trang bằng một bụi cỏ. Một chiếc hộp được mở ra…

Lá thư đầu tiên được xếp ngay ngắn cùng những viên sỏi nhỏ màu trắng Bạch Vân đã nhặt từ khe suối vào, đánh dấu ngày tháng mà cánh diều mang lá thơ của Phong Viễn đến bên Bạch Vân… 

Đếm thời gian ư! Bạch Vân chợt rùng mình khi nghĩ đến sự mong manh của tình yêu… Tình yêu có trường tồn không giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống…

“Ngày … Tháng … Năm…

Nhỏ thương!

Nơi anh ở rất đông người nhưng chỉ là người đông. Anh nhớ nhỏ làm sao đây! Anh tìm một góc giữa cái ồn ào, để chỉ mình anh lặng yên nỗi nhớ…

Nhỏ nè! Tại sao anh dùng chữ “Thương” vì nó vượt lên trên giới hạn của chữ “Yêu”. Khi yêu người ta đòi hỏi một sự đáp trả, qua lại, sự thất vọng trong tình yêu sẽ làm cho tình cảm quay ngược trở nên hận thù…

Khi vượt lên trên những điều bình thường của tình yêu, tình cảm đó lớn hơn, bao dung hơn. Yêu! Nó nghiêng về cảm xúc. Còn thương! Lặng hơn, trách nhiệm hơn và mãi mãi tồn đọng…

Bạch Vân áp lá thư lên ngực trái, nơi trái tim thổn thức “Phong Viễn! Sẽ là mãi mãi…” Nhìn cây đàn ghi ta treo trên vách tường như nghe tiếng Phong Viễn nói với cô “Anh để cây đàn này cho nhỏ như có anh bên cạnh, những lúc buồn hãy đánh đàn, anh sẽ nghe đấy! Nói rồi xoa đầu Bạch Vân cười…” 

Với tay lấy cây đàn, gảy những nốt trầm buồn, Bạch Vân như nghe văng vẳng tiếng hát với chất giọng trầm ấm “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ buồn không lên đôi môi/buồn đau hoen ướt mi ai rồi…(*) Nỗi buồn như rêu phong, đang bám vào tường tâm tưởng Bạch Vân. Cô nghe gió qua hiên nhà, rít lên dưới từng lớp lá nửa đêm…

Mùa hè là tháng ngày hạnh phúc, quấn quýt bên nhau với những ngọt ngào. Hai gia đình qua lại như một đính ước. Phong Viễn xong năm cuối đại học. Chương trình trung cấp hai năm của Bạch Vân cũng sắp hết. Họ đang tính chuyện tương lai.

Một sáng mùa Đông. Buổi sớm đã lất phất mưa. Từng cơn gió se thắt ngược hướng. Giọt mưa cứ thế hắt vào mặt, lạnh tê đầu lưỡi khi nếm từng hạt nước trên bờ môi. 

Bạch Vân gò lưng trên chiếc xe đạp đi chợ huyện hốt thuốc cho mẹ. Đã một tháng nay mẹ ho không hết. Thuốc đã lấy xong, ghé chợ mua một ít đồ dùng…

Hình ảnh trước mắt khiến Bạch Vân ngỡ ngàng… Ba Phong Viễn, đầu đội nón lá, thân hình gầy khô, lạc giữa chiếc áo mưa ngắn đến đầu gối, hai chân đã tím lại vì lạnh trên đôi dép lào trơn trượt, đang bơm từng chiếc bong bóng bán dạo bên hông chợ. Chợt trông thấy Bạch Vân với một thoáng bối rối. 

Bạch Vân lên tiếng:

– Dạ. Con chào bác! Con đi chợ.

Ba Phong Viễn vội dẹp đồ bán, chỉ vào quán nước bên cạnh, nói với Bạch Vân:
– Vào đây con, uống ly sữa nóng rồi về, bác cháu mình nói chuyện chút.

Bạch Vân “Dạ” đi vào quán, hai ly sữa nóng được bưng ra, Vân cho đường vào ly sữa đậu nành nóng khuấy cho tan.

– Con mời bác. 

Bạch Vân uống sữa không đường, nhấp một ngụm nhỏ ngập ngừng:

– Con không biết bác bán chợ huyện. 

Ba Phong Viễn nhìn Bạch Vân cái nhìn sâu thăm thẳm làm sống lưng cô lạnh toát… Rồi chợt nói với Bạch Vân:

– Hết năm nay Phong Viễn ra trường và còn thời gian thực tập việc, gia đình bác không còn khả năng. Bác cố xoay xở mọi cách, con đừng cho Phong Viễn biết. Bác biết tình cảm hai đứa đã gắn bó với nhau từ nhỏ, nhưng hai đứa không cùng tôn giáo, thời buổi này lý lịch ảnh hưởng nhiều đến con đường tiến thân.

– Đôi lúc yêu một người không nhất thiết phải ở bên người đó. Bác có một người bạn ở thành phố muốn gả con gái cho Phong Viễn, ra trường sẽ có chỗ làm tốt. Bác không nhận lời vì biết Phong Viễn chỉ thương mình con. Bác đã nợ người ta một số tiền, không biết làm sao để trả. Gia đình bác chỉ còn trông cậy vào Phong Viễn.

Bạch Vân chết lặng, cố kìm nén nước mắt khi nhìn bóng dáng người cha lưng còng như muốn gập xuống. Cuộc sống vất vả đã khiến ông già hơn tuổi rất nhiều.

– Bác xin lỗi vì phải nói với con những lời này. Bạch Vân đứng dậy cầm gói đồ đi như chạy nói lắp bắp

– Dạ không, bác không có lỗi.

Cô lên xe, đạp như ma đuổi dưới cơn mưa mùa. Nước mưa hòa cùng nước mắt tan chảy trái tim, làm sao cô chịu nỗi với ý nghĩ mãi mãi rời xa Phong Viễn…

Tiếng khóc của cô chỉ có trời xanh mới thấu. Cảm giác đau như ngưng thở. Bất giác cô chợt nhớ đến người mẹ luôn đặt tất cả hy vọng vào cô, vào hạnh phúc của đứa con gái. “Làm sao đây?” Đến với nhau, Phong Viễn sẽ mất đi cơ hội tiến thân… Cô biết thế nào là sự nghèo khổ, thế nào là nhọc nhằn của cha mẹ. 

Đến đầu con dốc vô nhà, cô đứng lại ngửa mặt để nước mưa trôi hết những ưu phiền đọng lại. Mẹ chưa sẵn sàng đối diện với chuyện này. 

Bạch Vân không thể giấu mẹ mãi. Mẹ đã khóc thật nhiều với cô. Cô gục trong vòng tay mẹ rên khẽ như con thú bị thương. “Mẹ ơi! Con phải làm sao?” Tiếng nói mẹ trầm ấm “Nếu con thấy xứng đáng, hãy yêu đến tận cùng và không có nghĩa là trói buộc nhau. Mẹ luôn ủng hộ con.”

Bạch Vân nhẹ nhàng trong tà áo dài tím, như hoàng hôn trải dài nỗi buồn. Lễ chiều cô quỳ gối, cứ thế lặng lẽ, trống không. Tâm cô đang đi tìm Phong Viễn. Tìm một con đường mà cô chưa thấy. “Lạy Chúa xin xót thương con!” 

Hình ảnh người cha oằn xuống vì con trong nhọc nhằn mưu sinh, để chắp cánh cho ước mơ cứ ám ảnh Bạch Vân. Cô thấy thật ích kỷ khi chỉ biết nghĩ đến tình cảm bản thân… Sự hy sinh của cô so với người cha ấy có thấm gì? Yêu một người đâu nhất thiết phải sở hữu. Chỉ cần người ấy bình an, hạnh phúc là đủ. 

Từ trong sâu thẳm có tiếng nói “Như thế có công bằng với cô không? Có nỗi đau nào bằng chia tay với người mình đang yêu.” 

Mùa hè cuối cùng. Phong Viễn mang ba lô về nhà, chỉ kịp chào ba mẹ một tiếng đã chạy như bay đến nhà Bạch Vân. 

– Nhỏ ơi! Anh về rồi. 

Bạch Vân mở cửa bước ra, nhìn thấy Phong Viễn nước mắt tủi thân lăn dài.

– Sao mà khóc? Nhõng nhẽo anh cốc đầu ấy! Bạch Vân gạt nước mắt mỉm cười.
– Thấy anh về vui quá nên khóc…

Hạnh phúc trên đời này luôn nằm ngoài tay với… Cái mình không được, luôn là điều tốt đẹp nhất lẫn cả khổ đau. Phong Viễn một mực tin tưởng vào hạnh phúc của mình.

Bạch Vân trân trọng từng phút giây bên cạnh Phong Viễn vì bản thân đã quyết định.

Hôm trước ngày chia tay, họ lại đi trên con đường cũ. Con đường nhớ bước chân quen

Phong Viễn siết nhẹ bàn tay Bạch Vân nói:

– Nhỏ nè! Anh chỉ còn thời gian thực tập là xong. Ra trường ổn định việc làm rồi, anh sẽ cưới em – Phong Viễn dừng lại, nhìn sâu vào mắt Bạch Vân – Làm vợ anh nhé? 

Bạch Vân tránh ánh mắt Phong Viễn. Cô choàng tay ôm tròn anh không nói. Trái tim cô đau từng vết cắt… 

Cỏ cây buồn cúi mặt! Gió ném vào đêm những uất ức của đời người. Sự hun hút của số phận hay chính con người chọn cho mình một hướng đi sai. Sự giằng xé bên trong tưởng chừng không chịu nổi.

Bạch Vân ra trường, xin việc ở bệnh viện huyện. Mỗi ngày cô đạp xe mười cây số đi làm. Nghĩ đến mẹ, cô không cho phép mình gục xuống. Đêm về cô ôn lại toàn bộ kiến thức đã học với kế hoạch học nâng cao. Cô cố tìm quên trong công việc… 

Nỗi nhớ… ôi nỗi nhớ/Trói ta trong vòng tay/Chiều nay chừng không thở/ Nhớ thật nhiều… Gió bay…! Có cơn gió nào mang được tâm tư gửi đến người thương! Cánh diều! Phải rồi, cánh Diều tuổi thơ, cánh Diều tuổi xuân, cánh Diều nào cho ta gởi hết ưu phiền một tình yêu không lối thoát. Một cánh Diều không nắm giữ sợi dây, trong xa xanh bát ngát, chỉ mình ta.

Bạch Vân lấy chồng. Mẹ nhìn xót xa khi thấy cô lẳng lặng gom hết những kỷ vật cho vào chiếc hộp. Từ nay khe suối cạn sẽ cất giữ mối tình đầu. Nó sẽ mãi của riêng cô, chỉ riêng cô mà thôi.

Chồng Bạch Vân hơn cô mười tuổi, là một doanh nhân, tiếp nối công việc làm ăn của gia đình. Anh là người định nghĩa hạnh phúc bằng tiền. Bạch Vân đã một lần yêu và bây giờ cô suy nghĩ đơn giản hơn “Chỉ cần sống tốt là được”.

Trước ngày cưới cô ngập ngừng trước cửa nhà Phong Viễn. Ba Phong Viễn trong nhà thoáng thấy bóng người vội bước ra:

– Con qua chơi.

Cô ngập ngừng không nói nên lời. 

– Dạ con qua đưa thiệp…

– Thiệp gì con? 

Từ hôm gặp Bạch Vân ở chợ huyện, thấy cô như tránh mặt, thật sự ông cảm thấy áy náy trong lòng với những gì đã nói. Ông nghĩ cuộc đời có lý riêng của nó! Ông không có quyền làm tổn thương một cô gái tốt  như Bạch Vân.

– Dạ. Con đưa thiệp cưới. 

Bạch Vân tránh ánh mắt với nhiều dấu hằn đang cố mở to nhìn mình. 

Tay ba Phong Viễn run run cầm tấm thiệp cưới mà không biết nên buồn hay vui. Chỉ cảm thấy ông đang nợ một ân tình!

– Bác đưa anh Phong Viễn dùm con. 

Nói rồi cô đi như chạy. Mặc cho ba Phong Viễn gọi với theo cũng không quay lại. Cô như sợ cơn gió ngược, thổi cô quay về với những yêu thương mà khó khăn lắm mới dứt ra được. “Phong Viễn anh phải hạnh phúc. Đừng để sự hy sinh của em trở thành vô nghĩa.” 

Cô biết từ nay cuộc sống không còn tròn nữa! Một nửa khuyết đó cứ nhói vào tim cô. 

Hạ quyết tâm! Cô hít sâu một hơi, lưng thẳng lên, bước tiếp về phía trước với bổn phận.

***

Phong Viễn cảm giác bất an. Thư gởi cho Bạch Vân một tháng rồi không thấy hồi âm. Lá thư gần đây nhất Bạch Vân viết cho anh với những lời lẽ rất khó hiểu. Anh còn một tuần nữa là hoàn tất chuyến thực tập. Có biết bao dự tính trong đầu muốn nói với Bạch Vân. Sự nôn nao đếm từng ngày.

Trên chuyến xe đò về quê, quãng đường như dài hơn. Xuống xe anh đi như chạy, gặp mọi người anh chào hỏi, anh bắt gặp những cái nhìn ái ngại, lãng tránh. Anh vào nhà như một cơn gió, nói lớn:

– Ba, mẹ con mới về. 

Ba ngồi đó lặng lẽ. Không thấy mẹ anh hỏi:

– Mẹ đâu rồi ba. Nhà có chuyện gì sao? 

Ba không trả lời, chỉ thở dài… 

Bây giờ anh mới định thần nhìn quanh, chợt thấy hai tấm thiệp cưới trên bàn, vội mở ra xem. Tay anh run rẩy, vịn thành ghế ngồi xuống đổ gục xuống.

– Ba, nói cho con biết đi, chuyện này không có thật phải không? 

Anh la lên đau đớn rồi phóng ra khỏi nhà. Anh chạy một mạch đến nhà Bạch Vân, không kìm được tiếng gào:

– Bạch Vân! Nói cho anh biết, sao lại có chuyện này? 

Hai vai anh rung lên rồi bật khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi đau đớn với ý nghĩ bị phụ bạc. Niềm tin sụp đổ. 

Anh bóp chặt bàn tay Bạch Vân và nghe cô nói trong nước mắt:

– Anh làm em đau. Em không thể chờ anh. Anh về đi.

– Tại sao? Có phải người đàn ông đó giàu hơn anh. Đúng không? Sao cô nỡ đối với tôi như thế này? Chỉ một thời gian nữa thôi! Không đợi được anh sao Bạch Vân? 

Bạch Vân đau như muối xát trong lòng. Cô nhớ anh, chỉ muốn ôm chầm lấy anh, gục khóc trong lòng anh cho trôi hết bao ấm ức. Nhưng cô cố quay lưng lại trả lời Phong Viễn:

– Anh về đi! Xin lỗi anh.

Phong Viễn đi qua cơn mưa chiều nặng hạt, không định hướng. Đôi chân đi về phía con suối cạn, mùa này nước đã có nguồn. Anh gục xuống khóc như một đứa trẻ. 

Người đàn ông cũng có lúc lịm đi với nỗi đau, cũng có lúc họ cần một sẻ chia, an ủi. Anh đang cần điều đó. 

Không biết anh ngồi như thế bao lâu. Cho đến khi chút ánh sáng cuối ngày trả về tối, anh thất thểu những bước vô hồn theo quán tính trở về nhà. Anh nhốt mình trong phòng mấy ngày mới ra ngoài.

– Con xin lỗi! 

Ba Phong Viễn vỗ vào vai anh.

– Không sao rồi con. 

Nhìn con gầy rạc đau lòng, ông tự nhủ: “Cố lên con! Mọi chuyện rồi cũng qua. Vì tương lai của con. Hãy để một mình ba với nỗi đau này…”

Cuộc đời không ai sống thay cho hạnh phúc người khác. Bạch Vân đã có một cậu con trai. Chồng cô là người gia trưởng, rất sĩ diện khi mọi việc đều định nghĩa bằng tiền!

Không nghĩ đến cảm nhận của cô. Chỉ muốn cô ở nhà lo cho chồng con. Lâu dần cô như chiếc bóng bên cạnh người đàn ông phải gọi là chồng. Những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng khiến cô mệt mỏi. Lúc như thế bước chân lại dẫn cô về bên con suối cạn.

Đã bao lần cô đứng nhìn hốc đá cất giữ những kỷ niệm nhưng không đủ can đảm mở ra. Cô muốn quên hết để sống ngày hiện tại, cho dù chỉ còn lại chiếc bóng chính mình.

Cho đến một ngày, bên cạnh mẹ trên giường bệnh, cô thấy ân hận vì bao năm qua mình sống không ra sống, đắm trong đau khổ mà quên đi người mẹ bên cạnh từng vui, buồn theo cô. “Mẹ ơi! Đừng làm con sợ, đừng bỏ con…”

– Sau này mẹ không bên cạnh con. Hãy hứa với mẹ phải sống hạnh phúc nhé!

– Dạ mẹ, con biết rồi! 

Mẹ cô không qua khỏi. Tiễn mẹ một đoạn qua cầu… lòng cô chết lặng. Từ nay cô chỉ còn lại con trai nhỏ.

Rồi Bạch Vân chia tay chồng. Cô trở về sống tại căn nhà cũ bên triền núi. Con trai nhỏ đã đi học. Cô kiếm việc làm và tiếp tục ước mơ học lên đại học. 

Gia đình Phong Viễn đã bán nhà dọn đi, không một lần quay lại. Anh như cánh Diều đứt dây bay mãi phía trời xa. Nhìn những cánh chim xoãi cánh cuối chiều, cô thì thầm “Phong Viễn anh có hạnh phúc không? Phải thật hạnh phúc anh nhé!”

Cuộc sống khó khăn với đồng lương ít ỏi, Bạch Vân đưa con đem theo hài cốt của mẹ bỏ xứ ra đi…

***

Phong Viễn lập gia đình có một cô con gái. Anh lấy vợ theo ý gia đình. Là một người chồng người cha mẫu mực. Anh không giấu nỗi đau của mình mà kể cho vợ nghe tất về cuộc tình quá khứ, mong được chia sẻ.

Ngược lại những gì Phong Viễn mong đợi. Vợ anh luôn dò xét, ghen tuông vô lối. Cuộc sống anh luôn có Bạch Vân xen vào giữa, vì suy nghĩ ích kỷ, nhỏ nhen của vợ…

Anh mệt mỏi với gia đình nên vùi đầu vào công việc. Căn nhà càng trở nên lạnh lẽo… Cảm giác cô đơn vây lấy anh, cuộc sống vợ chồng tuy gần nhau mà vẫn cách biệt. Nỗi cô đơn thêm cay nghiệt, buồn càng buồn thêm…

Ba anh, bệnh cũ tái phát. Những ngày mưa, nắng cực khổ đã lấy hết sức ông ấy. Mỗi ngày ông một yếu đi.

Một hôm ông nắm tay anh và nói:

– Ba có chuyện muốn nói với con. Chuyện của Bạch Vân! 

Giọng ông thật khẽ như không còn hơi, ông kể cho Phong Viễn tất cả… rồi bật khóc.

– Là tại ba, tại ba tất cả… 

Ông nấc lên trong nghẹn ngào. Từng cơn ho rũ rượi rút vào lòng ngực, kéo ông co người lại trong đau đớn.

– Nếu ba không nói, ba không yên lòng nhắm mắt.

Phong Viễn tưởng chừng đất dưới chân sụp xuống. Tất cả trở về như mới hôm qua… Anh đau đớn “Bạch Vân! Anh xin lỗi.”

Ba anh rơi vào hôn mê và qua đời trong đêm. 

Lo hậu sự cho ba xong, Phong Viễn trở về quê, mong được gặp Bạch Vân… Ngôi nhà cũ Bạch Vân để lại cho người em họ ở. Cô ra đi với một ít đồ đạc, tư trang và cây đàn ghi ta.

Vòng ra khe suối cạn, đến bên hốc đá trống không… Tất cả đã không còn. Anh gục xuống… “Bạch Vân em ở đâu…?”

***

Ông Viễn bồi hồi nhìn cánh diều trên tay. 

 “Bạch Vân! Anh tìm em đã hai mươi năm rồi! Em như cánh diều đứt dây bay về phía vô cùng. Anh bây giờ cũng một mình nhớ em. Tại sao em muốn anh phải thế này, thế kia mới hạnh phúc chứ! Chỉ có anh biết hạnh phúc mình ở đâu!

Em ở đâu đó trên thế gian này, hãy thật bình an và hạnh phúc nhé!!! Anh luôn cầu mong một ngày nào đó được gặp em như cánh diều vô tình trên tay anh.” 

Nắng vỡ ra trên đường ông đi tới. Ông vẫn chưa thôi tìm kiếm! 

Một cánh diều lạc mất từ xa xăm…

Lê Yên
Sài Gòn. 14/3/19

Chị tôi

Chị tôi

Chị tôi

Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buột miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…” Nắng Sài Gòn dễ thương như vậy đó…

Sáng nay chị gọi điện từ quê vô. “Dạ em nghe!” Tiếng chị: “Trong đó có mưa không?” “Dạ không. Ngoài mình mưa hả chị?” “Mưa suốt, mưa này chỉ có ăn rồi trùm mền đi ngủ.” Tôi bật cười: “Vậy chị tranh thủ ngủ đi cho mập nhé!” Đầu dây bên kia tôi nghe tiếng chị cười.

Cứ như thế! Một hai ngày lại điện thoại. Mới cuối tháng mười một, đã gọi hỏi đăng ký vé xe về quê ăn tết chưa? Trẻ con mong tết để có tiền lì xì, còn chị mong tết để gia đình quây quần sum họp, bù lại quanh năm chỉ quạnh quẽ với cha già.

Là chị cả, chị như người mẹ thứ hai. Từng đứa em chị ẵm bồng chăm sóc, tất cả mọi thứ phải ưu tiên cho các em và thế chị cứ thụt lùi lại phía sau.

Tôi nhớ một kỷ niệm ngày xưa với chị. Sáng nào chị cũng quét lá rụng đầy trên cái sân rộng, tôi cứ đi theo lẽo đẽo hỏi đủ thứ chuyện, chị trả lời miết rồi mệt, lại vướng chân. “Đi chơi đi.” Tiếng chị dịu dàng. “Vẫn còn nhiều chuyện muốn hỏi làm sao đi!”. Chị trở cán chổi quất cho một cái vô giò “Ui. Đau quá! Nghỉ chơi chị luôn, không nói chuyện với chị nữa.” Tôi giận dỗi bỏ đi một nước. Ngủ một đêm sáng ra chị lại quét sân. Con nhỏ tôi ngày xưa lại theo sau. Tiếng chị “Ngày qua đứa mô nói nghỉ chơi với chị?” Tôi sực nhớ. “Ừ ha! Nhưng đó là chuyện hôm qua, em quên mất rồi! Hihi” Hai chị em lại cười nói. Chị em gái là như vậy đó.

Từng đứa em lớn lên, chị đứng qua một bên nhường đường. Cha mẹ ngày một già yếu chị phải phụng dưỡng.

Tuổi thanh xuân chị tươi như hoa buổi sáng, cùng ong bướm dập dìu. Nhưng rồi chị vẫn đứng trong hàng rào của bổn phận, của lễ giáo ngày xưa. Tâm tưởng chị có mộng mơ yêu đương nào dám đi đến cùng đích của bến bờ hạnh phúc. Và thế là một đôi chàng ngang qua không dừng lại. Chỉ có chị ngày qua ngày lặng nén nỗi buồn như hoàng hôn giấu kín một mặt trời.

Tôi nhớ…! Chị khoe: “Kỳ này đám cưới thằng Cu, chị mua xấp vải đẹp may áo dài.” Tôi ủng hộ chị. Chiếc áo dài được may xong, ủi thẳng treo trên vách như xôn xao theo chủ nhân nó. Ngày tôi về đám cưới em trai, chị mặc thử, săm soi trước gương “Đẹp không em?” Thấy thương chị quá! “Đẹp! Đẹp lắm chị” Chị cười mắt sóng sánh niềm vui. Trong tôi chị rất đẹp! Dù năm tháng đã lấy hết tuổi xuân. Chị như cơn gió heo may hắt hiu cuối thu chuyển mùa…

Ngày đám cưới mọi người rực rỡ đủ sắc màu, riêng chị từ sáng đã bận bịu bếp núc đi chợ. Một tổ nấu gồm chị em bà con xúm lại giúp một tay trong gian bếp dựng tạm phía sau nhà, một bên là giếng nước trong veo được múc đổ đầy thùng phi từ rất sớm. Bên kia là gốc chanh dây sai quả đang nép một bên nhường lối. Đầu này kêu, đầu kia réo, chị như con thoi chạy qua, chạy lại tối mắt. Hồi đó chưa có những dịch vụ nấu đám tiệc. Khổ cho chị rồi! Vẫn chiếc quần đen và áo cánh cộc tay cho đến khi tàn tiệc vì chị có lên được nhà trên đâu! Tôi nắm tay chị “Sao chị không mặc áo dài mới?” Chị cười hiền “Có mặc được đâu, bận tối mắt.” Thương chị quá! Chiếc áo dài tủi thân treo trên vách tường chờ ngày vui khác.

Ngày tháng qua… Chị không còn trẻ nữa. Chị như gốc me già thẫm màu theo thời gian không thay đổi. Bao mùa lá rụng thế thắt, buồn vui lặng lẽ.

Chị thuộc từng bước gập ghềnh trên con đường đất đi làm về mỗi tối. Mấy con chó trong xóm quen bóng chị như người nhà không sủa.

Làng quê ôm ấp chị, cái nắng, cái gió rát rạt siết lấy thân đến khô queo và khi mùa mưa tới cũng co ro với chiếc nón lá trên đường ra chợ. Ấy vậy mà chị bình yên. Chị yêu quê, yêu nhà, đi đâu một hai bữa nói nhớ, lại đòi về. Quê hương vẫn đầy ắp yêu thương trong trái tim mỗi người. Dẫu có chật chội, tình yêu ấy vẫn có chỗ không rời đi. Cầu cho chị bình yên!

Thương chị nhiều! Rồi chị như bụi chuối sau hè từng ngày bóc tách, rũ úa với nắng mưa. Những lúc buồn, chị có mơ về thuở thanh xuân cười róc rách trong veo cùng nắng, thẹn thùng khi trộm nhớ ai đó và rũ buồn khi người không đứng lại cùng chị tay trong tay.

Những dịp về thăm nhà, tôi bên cạnh chị như ngày xưa để nghe kể chuyện. “Chị nhớ… Chị nhớ…” Và cứ thế tôi ngồi lặng yên lắng nghe… Tâm tôi thầm nói với chị: “Hãy sống vui mỗi ngày chị nhé! Cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi mình không chỉ sống cho riêng mình…!

Cám ơn chị đã làm chị của em!!!

Lê Yên
Sài Gòn. 11/17

Ngày giỗ

Ngày giỗ

Ngày Giỗ
Ngày Giỗ

Ngày giỗ

Chị đứng trước di ảnh của anh. Đốt nén nhang như mọi ngày, nén tiếng thở dài, chị nghĩ thầm “Mới đó đã giỗ lần 4.”

Thời gian qua nhanh như chớp mắt. Cuộc sống vô thường. Còn, mất là chuyện không ai tránh khỏi. Đứng trước sự ra đi của một con người, cho dù không phải người thân thương mình vẫn cảm thấy xót xa… Vì lần ra đi này là mãi mãi.

Anh là chồng chị. Là một phần đời chị. Rồi đến một ngày tâm thái chị không động… Ngày đó nắng sẽ hanh vàng óng ánh. Chị gói mưa gió cuộc đời cất kỹ, chị nhìn thấy mây xanh trên bầu trời nhẹ nhàng bay. Có những ký ức đã trở thành một phần đời mỗi con người. Ta phải biết để lại phía sau, tiến về phía trước cho hành trang nhẹ hơn.

Trời chợt đổ mưa. Cơn mưa trượt dài theo gió hất ngược như nước mắt tủi hờn, ấm ức mà người đàn bà nén vào bên trong, chốc lát đã tạnh hẳn. Chị làm mâm cơm với những món thường ngày anh thích lúc còn sống. Con người nghĩ cũng lạ. Thiếu gì món cao lương mỹ vị đã nếm qua… Vậy mà những món bình dân, đơn giản lại khiến người ta thèm. Trên mâm cơm chị dọn lên. Một dĩa cải chua xào thịt bò. Một dĩa khô cá hú chiên giòn. Một tô canh khoai mỡ nấu với tôm khô, nêm chút hành lá, cắt nhỏ với rau ngò ôm. Một bữa cơm ngày thường của gia đình. Có phải không khí ấm cúng được cùng người thân bên mâm cơm gia đình đã khiến ta thèm.

Nhà chỉ còn ba mẹ con. Chị nhắc cho con nhớ ngày giỗ của ba. Chị muốn các con nhớ cội nguồn, sống phải biết tri ân và rồi mẹ con ăn cơm. Nhóc lớn trầm ngâm, nhóc nhỏ hỏi đủ thứ về ba, tía lia… Riêng chị. Chị nhớ tháng ngày cũ, cũng tiết trời đông se lạnh. Mùa Noel về. Đó là những ngày cuối của anh. Ngày anh cứ tiến về phía cuối con đường trong sự tỉnh táo, đau đớn.

Anh mòn mỏi, hao gầy như cây xanh vàng võ. Từng chiếc lá rụng dần, cây gục đầu xót xa với lụi tàn. Ánh mắt hun hút từ hốc mắt sâu thẳm như chút nắng cuối cùng sẫm màu trốn sau vách núi hắt lên mờ nhạt để rồi lọt thỏm trong đêm. Anh nằm yên bất động, tấm thân teo quắp ươm mầm sự chết mỗi ngày chị cảm được. Chị giành giựt, giữ lại được gì từ tay thần chết, ngoài những hình ảnh ăn sâu vào ký ức bất lực, yếu đuối của con người trước cái chết. Cảm giác trả về 0 thật đáng sợ.

Mọi người đều biết rằng mình sẽ chết, nhưng ai hầu như cũng quên nó. Vì nếu chúng ta nhớ về nó, có thể là hôm nay, ngày mai, để có thái độ thích đáng đón nhận nó bất cứ lúc nào. Chắc chắn rằng ta sẻ sống mãnh liệt hơn,tốt đẹp hơn.

Ai cũng từng nhìn thấy người khác chết. Sự chết thật khó lý giải. Đôi khi ta sống mộng du giữa thế giới thực – ảo. Ta không cảm nhận trọn vẹn cuộc sống chung quanh, chỉ khi đối diện với sự chết. Phải! Ta sẽ nhìn sự việc một cách khác.

Noel năm đó anh làm một hang đá nhỏ đặt trên bàn bên cạnh giường bệnh. Cười buồn anh nói: “Noel cuối cùng của anh.” Chị nắm tay anh xót xa, nhói buốt… Như một phán quyết của thượng đế. Sự chờ đợi này thật kinh khủng. Anh quý từng chút thời khắc của trần gian. Ngày, đêm anh không ngủ, như cố chống trả một thế lực vô hình đang chực chờ ngoài cửa. Anh sợ nhắm mắt rồi sẽ mãi mãi không tỉnh dậy nữa. Chị cảm được anh đang nhìn như giữ lại từng hình ảnh của cuộc sống, từng người thân cất vào bên trong cái phần hồn tồn tại không chết. Trong đôi mắt sóng nước, sự sợ hãi cô đơn khi phải đi một mình. Còn bao nhiêu tiếc nuối vì không có cơ hội quay lại để sống những ngày mà chỉ khi đối diện với cái chết ta mới cảm nhận nó đúng đắn nhất.
Đêm chị nằm co trong chiếc ghế xếp bên cạnh giường anh. Mắt nhắm lại mà bên trong rỗng như một nấm mồ chưa chôn. Mệt mỏi chị thiếp đi và mơ thấy những con người mang bản năng ác thú xé nát gia đình chị. Chúng rượt đuổi chị đến tận cùng, chị hụt hơi choàng tỉnh. Bật dậy chị sợ mình trễ một tiễn đưa… Anh ngồi tựa lưng vào tường bất động, chỉ đưa mắt qua nhìn chị hỏi nhỏ: “Em gặp ác mộng?” Chị trả lời anh: “Dạ không.” Bên ngoài những tia nắng đầu tiên nhảy múa. Sự sống trêu ngươi kẻ đứng bên bờ hai thế giới.

Xóm đạo tưng bừng đèn sao. Mọi người háo hức với niềm vui chung đón mừng đại lễ. Giáng sinh. Mới sáng sớm anh đã nhắc chị: “Nấu món gì ngon ngon cho con ăn.” Trong chị cồn cào bất thường… Chị trả lời cho anh vui: “Dạ. Em sẽ nấu một món ngon.”

Đêm hôm đó khi chuông nhà thờ tan lễ, anh ra đi nhẹ nhàng. Từng hồi chuông giục giã tiễn đưa. Thể xác anh lạnh dần. Những nhịp đập cuối cùng đã tắt sau khi nói với chị những lời như gió thoảng “Ước gì anh có cơ hội lần hai.” Chị hoá đá!

Có phải anh muốn nói với chị: “Chúng ta có một cuộc đời dài để ước. Ước mơ mỗi ngày. Niềm mơ ngày mai sẽ đẹp hơn hôm nay. Vì chúng ta luôn mơ ước những điều tốt đẹp. Đừng để phải tiếc nuối vì niềm mơ không thực hiện được.”

                                                                              ***
Chị nói thầm với anh “Anh về ăn cơm cũng mẹ con em. Em kể cho anh nghe một kỷ niệm xưa”. Đôi khi ta cũng phải biết khơi gợi vùng ký ức tươi đẹp đã bị những âm u, mây xám che lấp. Duyên nợ giữa đời đều bằng sự vô hình đưa đẩy,tuổi thanh xuân thật đẹp. Hồi con gái em thích để tóc dài thả bồng tự do. Anh theo sau như một tình cờ, sự tình cờ cố ý lặp lại, con gái ai mà chẳng được nhiều chàng để ý. Anh được vợ chỉ với một đôi vớ trắng mang cho ấm chân trong những ngày đông, đã làm em động lòng. Trời cao nguyên. Sáng chiều sương mù giăng phủ. Anh được vợ chỉ với trái tim của một chàng trai mới lớn. Hồi đó chỉ cần có hai trái tim vàng… Sao mà đơn thuần đến thế! Để rồi có những buổi chiều tối, hoàng hôn khuất sau núi đồi chỉ còn lại khoảng sáng nhàn nhạt mờ sương. Lất phất dưới mưa sau giờ làm việc. Chiếc dù đen che nghiêng hướng gió, mình đi qua một triền dốc dài ngút ngàn hoa dã quỳ hoang dại, vàng suốt một mùa. Thật đẹp! Mỗi lần ngang qua, em đều thích thú vuốt nhẹ cái thảm vàng tươi ngậm nước. Cảm giác từng giọt… Từng giọt… Lạnh buốt bàn tay. Chỉ để được cùng nhau tản bộ dưới mưa, cùng nhau ghé quán chọn một chỗ ngồi, tầm mắt có thể nhìn suốt con đường dốc thưa thớt cột đèn mà ánh sáng vàng co lại dưới sương mù. Chén chè nóng nhâm nhi để có nhiều thời gian bên nhau nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh.

Có phải sự khởi đầu nào cũng tốt đẹp? Trời đất có hai miền sáng tối. Cuộc sống muôn mặt. Đôi lúc không biết tự lúc nào hạnh phúc lạc vào miền bóng tối không tìm được lối ra…

Chị gắp thức ăn cho nhóc nhỏ, món khô chiên giòn ngon miệng nhóc thích. Nói chuyện với con mà trong đầu vẫn chưa dứt những suy nghĩ. Khi đứng trước cái chết, mọi phù phiếm trên thế gian không còn quan trọng nữa. Chúng ta dành thời gian cho những thiết yếu có ý nghĩa tâm linh ngày thường chúng ta rất thiếu. Sự bám dính vào những thứ vật chất không làm con người thỏa mãn. Ta xem thường những điều tốt đẹp trong trời đất ta đang hưởng dùng, được thượng đế ban tặng và một điều tiếc nuối là xem thường những mối quan hệ yêu thương đang có.

Một người bệnh đã lâu nằm trên giường. Nhìn ra bên ngoài thấy nắng ấm, thấy gió đong đưa những cụm mây xanh đùa giỡn, quấn quýt trên bầu trời. Nằm lắng nghe những âm thanh của sự sống bên ngoài, chắc chắn một điều sẽ trân trọng khung cửa biết bao.

Gia đình là tất cả. Đó là điểm tựa vững chắc cho con người trong mọi hoàn cảnh. Nền tảng của gia đình là yêu thương. Một khi gia đình không còn là điểm tựa thật bất hạnh. Chị buông đũa nén tiếng thở dài, gạt những suy nghĩ mông lung ra khỏi đầu.

Nhóc lớn nhìn mẹ lên tiếng “Mẹ ăn thêm.” Chị mỉm cười trả lời con “Hai anh em ăn đi. Mẹ no rồi.” Cuộc sống vợ chồng, giống như một sự khởi hành ra biển cả. Tình yêu thôi chưa đủ…

Ở nơi xa đó anh thấy con ngày một lớn. Anh đi bên đời trống một chỗ/Lấp đầy ngôi mộ xác thân tan/Ngoài kia mưa gió gào bất tận/Tiễn người xa xót một lần đưa.

Ba nén nhang mẹ con chị thắp cho anh cong tròn trân trọng. Một phận người…!

Lê Yên
12/18                                                                                        

                                                                                                                                                                                                                       

Coi mắt

Coi mắt

coi mắt
coi mắt

Coi mắt

Đi được hai phần ba chặng đường, còn một đoạn nữa là về đến nhà, nhưng Phước không thể. Hình như chiếc xe máy cà tàng của anh cần được nghỉ ngơi. Tấp vào quán cà phê bên đường anh tắt máy. Chọn một chiếc võng có chỗ nằm thoáng, gió từ bờ sông thổi lên mát rượi. “Cà phê võng” cái biển hiệu khiêm tốn khuất sau đám dây leo um tùm. Gọi cà phê xong, anh thả người xuống chiếc võng đong đưa, thật dễ chịu.

Đi từ lúc trời chưa sáng, mấy tiếng đồng hồ chạy xe nghe ê ẩm. Cái lưng này cũng tới tuổi rồi. Anh khẽ cười thầm “Cũng như cái xe vậy thôi. Có sử dụng mà không bảo trì, tu bổ thì sẽ rạc đi với thời gian. Cũng may cơ thể con người có khả năng tự tái tạo và chữa lành nên mình còn ngồi đây.”

Dõi tầm mắt dọc theo mé sông. Một đôi uyên ương đang tạo dáng cho phó nhòm chụp ảnh. Thiên nhiên và cách trang trí quán rất bắt mắt, cô dâu chú rể sẽ có một bộ ảnh ngoại cảnh đẹp đây! Tuổi trẻ bây giờ khác hồi thời của anh. Một hình ảnh chợt thoáng qua. Anh cũng đã từng đi coi mắt vợ.

Dòng sông tuổi thơ với con nước đục lờ theo anh lớn lên. Gắn bó và ở lại trong ký ức những bài thơ tình không đoạn kết. Tình yêu của anh đầy trăng sao và không thiếu hương hoa.

coi mắt

Anh đã rời dòng sông quê cùng người yêu đến một chân trời mới. Muốn được như chàng nam chính trong phim ngôn tình ngày ngày chải tóc cho người mình yêu.

Để có cơ hội đó, anh đã đóng trọn các vai diễn trong cuộc đời, từ một anh nhà báo, biên tập cho đài truyền hình đến những công trình vắt vẻo trên cao với dàn giáo. Anh vẽ những họa tiết cuộc đời với chủ đề được đặt trước. 

Có những đêm trong vai anh xe ôm dưới ánh đèn vàng mệt mỏi đường phố, anh đợi khách trong vắng lặng của đêm qua khói thuốc nhuộm vàng đầu tay.

Những bài thơ viết vội trên giấy gói bánh mì vẫn tràn đầy cảm xúc. Phải chi có ai đó mua thơ, để anh bán, chỉ có chị bán bánh mì được đọc thơ anh miễn phí, không biết chị có hiểu những gì anh muốn gởi vào thơ mà thỉnh thoảng thấy chị thở dài cũng có lúc cười tủm tỉm. Chỉ có anh bụng luôn réo lên trong se lạnh!

Gia đình nhỏ của anh đã có một con trai. Anh luôn bên cạnh chăm sóc và có mặt mọi lúc, mọi nơi khi vợ con cần đến. Anh muốn xây lâu đài cho nàng. Sự nỗ lực của anh đã có kết quả. Một ngôi nhà khang trang ấm áp. Không biết anh đã mất đi bao nhiêu thời gian để quên bản thân trong sự miệt mài. Da anh sạm lại. Mắt anh trĩu nặng mỏi mệt. 

Con trai anh giờ đã lớn. Anh cảm giác cô đơn trong căn nhà đó! Vì nàng đã thay đổi quá nhiều, không còn vui khi anh chải tóc. Chỉ thích đếm tiền. Từ đó anh bỏ làm thơ.

Phước trả tiền ly cà phê rồi ra xe tiếp tục cuộc hành trình. Đã lâu anh chưa về thăm cha mẹ. Lòng nôn nao một cảm giác khó tả. Sắp được về nhà, cứ mỗi lần về trong anh lại rộn ràng như thế. Không biết có bao nhiêu lỗi lầm, chỉ cần thấy anh về cha mẹ và các chị em đều rất vui. Gia đình lại bày biện ăn uống sum vầy. Cá dưới sông. Rau sau vườn. Gà ngoài nương.

Đêm, anh đem ghế bố ra trước hàng hiên nằm đếm sao trời. Chỉ ở quê, trời mênh mông không hạn chế tầm nhìn. Một mình với thế giới riêng, anh mơ. Giấc mơ trong đó không có kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Mọi giá trị không được tính bằng tiền, chỉ được đánh giá trên năng lực thực thụ bản thân và tính yêu thương của con người giữa vạn vật. Tiền chỉ là công cụ để trao đổi. 

Anh lại thích có anh hùng. Những người đàn ông trượng nghĩa. Thấy chuyện bất bình là ra tay. Thời đại nào cũng có những người tài đức đủ dũng khí để bảo vệ lẽ phải. Không thể thiếu người phụ nữ dịu dàng, đằm thắm. Sự mềm mại đó như dòng suối mát làm tươi mới sự khô cằn những người đàn ông như anh. Lan man trong ước mơ sắp lại trật tự xã hội, anh xuôi theo cơn gió mát chìm vào giấc ngủ.

Những vì sao trên cao nghiêng mắt nhìn anh. Người đàn ông với tướng nằm co như con tôm luộc, thói quen ghé vào đâu đó chợp mắt trong chốc lát để lấy sức. Một tay gác lên che khuất gương mặt vuông cương nghị với vầng trán hằn những suy tư. Tay còn lại xuôi thẳng, bàn tay mở rộng như tâm tánh anh, chẳng giữ lại cái gì cho riêng mình như cuộc đời này vốn thế. Đến và đi cũng chỉ hai bàn tay trắng.

Đêm lùi dần vào huyễn hoặc riêng mang. Tia nắng đầu tiên lấp lánh giọt sương còn đọng lại nổi bật trên nền xanh từng tảng lá. Giàn mướp rũ những đọt non sau một đêm vươn xa khỏi giàn đong đưa trong gió sớm mai.

Phước bật dậy với tiếc nuối lặng ngắm bình minh. Mùi trà ướp hoa lài của cha thơm nức mũi không cưỡng lại được. Trong góc sân, một nhà chòi lục giác được lợp bằng lá dừa, cha anh ngồi trên bộ bàn ghế gỗ lâu năm bóng láng với tách trà bốc khói trên tay. Thói quen uống trà buổi sáng sớm mấy chục năm nay như là thú vui không thể thiếu cùng những ông bạn già hàng xóm tụ tập đánh cờ, đàm đạo. 

Đã ngoài tám mươi, cha anh vẫn còn minh mẫn. Người ông khô nhưng dáng điệu còn khỏe. Anh hay gọi đùa cha như cây cảnh già trăm tuổi.

Anh bước ra chào cha và ngồi xuống, rót tách trà. Mùi trà thơm khiến anh tỉnh hẳn. Vị chát của trà đọng lại ngọt hậu khiến người uống bắt ghiền. Quay sang anh, cha nhắc chừng “Con chặt quày dừa đặng lát đem qua nhà thím Út, hôm nay giỗ chú Út bây đó.” Anh dạ nhỏ rồi đứng lên. Vườn nhà anh trồng khoảng chục gốc dừa. Những cây dừa cũ cao chót vót nằm cuối vườn. Giống dừa mới bây giờ thấp hơn. Chặt một quày dừa không tốn công sức là bao.

Anh với chị Ba và nhỏ Tám xách giỏ trái cây và quày dừa qua trước, phụ thím Út. Một tay thím cũng vất vả. Con cái ở xa, ngày giỗ mong chúng về kịp là vui rồi.

Đã lâu không có dịp đi lại con đường này. Từ nhà anh đến nhà thím Út chừng mấy công đất đường chim bay. Nông thôn bây giờ cũng thay đổi nhiều. Con đường được tráng nhựa mở rộng hơn. Hàng quán nhiều hơn.

Chỉ một thời gian ngắn mà quá thay đổi. Chỉ có dòng sông, con nước đục lờ anh ngụp lặn mỗi ngày cùng đám bạn là giữ được bóng dáng ngày nào. Anh bồi hồi xúc động. Có điều gì đó anh bỏ sót sao? Ruộng lúa bên đường đang trỗ đòng đòng, mướt màu con gái. Anh đã quay lưng lại với tất cả để làm con thiêu thân lao vào tình yêu bằng lòng chịu chết.

Con người anh là như thế! Yêu cho đến tận cùng.

Vừa chạm ngõ nhà thím Út, mấy con chó chồm lên sủa rân trời. Thím Út trong nhà la vọng ra đuổi. Cái chân cà nhắc vì đau khớp gối khiến thím đi lại khó khăn. Ánh mắt thím sáng lên khi nhìn thấy chị em nhà anh. “Vào đây! Mấy đứa qua thím mừng quá!” Quay qua anh thím đảo mắt từ trên xuống, cười cười nói “Thằng Phước! Bây lâu lắm mới về.”

Căn nhà ba gian chừng lên màu rêu xanh. Mái ngói sậm lại với gió mưa. Bước vào gian giữa là nơi thờ ông bà tổ tiên và cũng là phòng khách. Nhỏ Tám xuống nhà dưới rửa trái cây bày lên đĩa, đặt lên bàn thờ. Thím Út bùi ngùi đốt nắm nhang trầm đưa cho mấy chị em thắp cho chú Út. Không khí như lắng xuống nao lòng. 

Chú Út là y sĩ quân y. Tử trận do mìn. Chú ra đi lúc còn trẻ, mình thím Út nuôi hai con đến khôn lớn không đi bước nữa, dù không thiếu những người đàn ông muốn cùng thím đi hết phần đời còn lại. Phước thở dài, thời gian có vô tình không? Hay tại con người không biết trân quý nó!

“Ngồi uống nước mấy đứa. Công chuyện từ sáng sớm có con hai Mận qua phụ thím mần xong hết ráo.” Nhìn Phước thím tiếp tục “Thằng Phước mày nhớ con hai Mận không? Hồi đó đi coi mắt, phải ưng ý thì giờ đâu đến nỗi! Con người ta vẫn ở không đó!” Anh há hốc miệng với cảm giác rơi hụt hẫng “Có chuyện đó sao?” Thím Út đều giọng kể “Lúc hay tin bây lấy vợ. Hai Mận buồn sinh bịnh một thời gian mới tỉnh hồn. Kể cũng tội nghiệp.”

Hình ảnh hai Mận thoáng hiện lên trong ký ức, mờ nhạt như sự vô tâm của thằng con trai mới lớn háo thắng. Cảm giác nhói buốt. Có phần nào lỗi của anh không!? 

Năm đó Mận mười tám tuổi. Anh hăm hai tuổi. Thím Út là người đứng ra mai mối. Cha Mận mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, nên muốn Mận lập gia đình và bắt rể, để trong nhà có được người đàn ông.

Anh nhớ bữa cơm hôm đó. Anh rủ bạn bè đi chung cho vui. Cái chính là thích náo nhiệt. Một cô gái có mái tóc dài trong chiếc áo bà ba nổi bật những bông hoa nhỏ trên nền tím cà rất xinh, lấp ló sau cánh cửa buồng không dám bước ra. Những chum rượu gạo đánh đổ mấy chàng trai trẻ. Trí nhớ anh dừng lại đó. Không biết trong cơn men say làm chếch choáng đầu óc, anh có đọc thơ tình cho Mận nghe không? Ôi! Cái tội lỗi tình si, anh có gieo không?

Tiếng thím Út làm anh giật mình trở về thực tại “Nhỏ hai Mận cứ chung tình với thằng Phước, những đám khác dọ hỏi nó không ưng. Mẹ nó riết rồi cũng không hối chuyện chồng con. Nhưng chỉ sợ bà mất đi rồi nó lại một mình rất tội nghiệp. 

Vừa lúc đó, tiếng con chó loẳng quẳng mừng ai đó. Anh tưởng tượng cảnh cái đuôi nó vẩy liên tục rồi nhảy chồm lên. Đó là hình ảnh con Vàng ngày xưa của anh. Thím Út chỉ tay ra ngõ “Hai Mận qua tới!” Cảm giác bối rối không biết nên đối diện như thế nào sau những gì thím út nói làm anh bối rối. 

Anh nhìn ra trước sân. Người phụ nữ đã ngoài bốn mươi, tướng đi nhẹ nhàng, khoan thai, nhan sắc đằm thắm, mặn mà, thon thả trong chiếc áo bà ba xanh nhạt, mái tóc dày búi thấp trông gọn gàng không kém phần duyên dáng.

Có ai đó thắp lửa bên trong anh. Cảm giác chao đảo như cơn sóng đi qua, anh cố níu vào cái bề ngoài lạnh lùng vốn có để giữ chặt tính đam mê vẻ đẹp. Không chỉ riêng sự khả ái của phụ nữ hút anh. Bất chợt một khoảnh khắc bắt gặp nét tuyệt vời giữa thiên nhiên cũng khiến anh lặng đi vì xúc động.

Thấy nhà có khách, Mận đi tránh vô gian bếp. Thím Út gọi giật lại “Mận à! Vào đây con, người quen không chứ có lạ đâu.” Mận bước vô phòng khách, nhìn một lượt. Cô gật đầu chào mọi người rồi ngập ngừng nhìn anh “Anh Phước về chơi?”

Anh khẽ cười lên tiếng “Mận còn nhớ tui ha.” Đôi mắt chợt thoáng buồn vì câu hỏi vô tình. Thay vì trả lời, đôi mắt đó khép lại như giấu kín một linh hồn. Cô đánh trống lảng “Để con xuống bếp mần cho xong công chuyện.” Không đợi thím Út lên tiếng, Mận đã khuất sau cánh cửa.

Anh rít một hơi điếu thuốc cháy dở rồi dụi vào gạt tàn, nghe nóng rát cổ họng. Có phải anh đang hủy hoại thể xác vốn đã mòn mỏi. Đâu là nơi chốn của anh? Sao nghe mất phương hướng như thế này?

Nhà cửa, vợ con hình như không thuộc về anh. Anh như một công cụ. Đến một ngày anh nhận ra cả sự tự do cũng không còn. Tất cả cuộc đời anh như vật hiến tế. Anh đã đặt để một tượng thần rồi bái lạy.  Anh không dám động hay phản kháng, không phải vì nhu nhược.

Những tháng ngày đong đầy yêu thương anh cho hết. Cuộc sống vợ chồng chỉ cần tình yêu. Tờ hôn thú chỉ là giấy. Anh vui với hoa nắng trước sân nhà sớm mai, anh vui khi cuối chiều đem về tổ ấm thành quả công sức lao động của mình.

Anh vui khi vợ mình đứng tên trên một tài sản. Đến một ngày nhìn lại anh chỉ có hai bàn tay trắng.  Có lẽ tình yêu đã bội thực mà chết cùng với tuổi trẻ và công sức của anh.

coi mắt

Anh đi tìm lại mình trong cô đơn, vắng lặng, thèm được như nắng như gió lang thang cùng trời cuối đất. Đã bao lâu rồi anh không làm thơ. Bài thơ tình không có vai nữ chính sao tròn cảm xúc.

Chợt nhớ tới Mận hôm đám giỗ nhà thím út. Anh tìm cách nói chuyện với Mận, như giải mã thắc mắc trong lòng. Những câu bâng quơ qua lại rồi hết chuyện. Anh đánh bạo hỏi thẳng “Mận còn nhớ buổi coi mắt đó không?” Trầm ngâm một hồi Mận lên tiếng “Anh còn nhớ bài thơ hôm đó tặng em không?”Anh giật thót mình tự hỏi bản thân “Có chuyện đó sao?” Lặng đi trong nao buồn, đau thương, anh chưa biết phải xử trí như thế nào! 

Thật khẽ, Mận đọc cho anh nghe bài thơ đã níu giữ Mận cho đến hôm nay.

Bàng hoàng trước những lời lẽ ngọt ngào tình tứ như một thệ ước thủy chung. Đó là men say, sự thoát thai bay bổng cảm xúc của tuổi trẻ. Anh quay lại nhìn Mận thật lâu, cái nhìn hơn nửa đời người anh đã nợ. Anh vô tình đi qua, đùa cợt trước cảm xúc đầu đời một thiếu nữ. Lòng anh chùng xuống như chiều ngoài kia trầm hẳn về đêm. Nợ tình trả sao đây!

Đất ruộng nhà Phước mấy năm nay cho người khác thuê. Đã đến lúc anh trở về với làng quê, làm chủ thửa đất hương hỏa. Tuổi trẻ bồng bột đã lôi anh xuống lưng đồi. Anh phải từng bước trở về nơi bình yên. Tầm mắt anh dõi theo những cánh cò trắng cuối chiều êm ã, với đôi chân mạnh dạn anh đi.

Nhìn dĩa bánh ít trên bàn, anh nhớ hồi còn khỏe mẹ thường gói bánh nhân đậu, nhân dừa. Đã lâu mùi vị vẫn còn trong ký ức anh! “Bánh ít đâu vậy chị Ba?” Tiếng chị Ba ngoài hiên vọng vào “Con hai Mận đem cho đó!” Anh chợt khựng lại, miếng bánh đang ăn như mắc nghẹn nơi cổ.

Uống ly nước để nuốt cho trôi miếng bánh, bước ra vườn sau, mùi ổi chín thơm ngọt. Mùa nào trái đó. Bước đến gốc mận đang mùa ra hoa. Nhìn những chùm hoa khép mình dưới tán lá, dày đặc kín cây. Anh thấy lòng trĩu nặng hình ảnh cô gái ngồi lặng yên nghe người say đọc thơ. Bài thơ dài hơn hai mươi mấy năm vắng lặng.

Đã lâu anh không làm thơ. Khẽ mỉm cười, tự dưng anh muốn viết gì đó trước mùa mận sắp đậu quả!

Lê Yên
Sài Gòn, 29/9/19

Hủ gạo

Hủ gạo

HŨ GẠO
HŨ GẠO

Hủ gạo

Bà Hai ngồi đó, bên mâm cơm chừng đã nguội hết thức ăn, lưng chén cơm trước mặt sao nghe no ngang, toàn những món con trai và con dâu bà thích.

Từ sáng sớm bà đã đi chợ, sơ chế sẵn để tủ lạnh, chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Bữa cơm gia đình trong ngày bà cũng thường xuyên một mình đối diện với mâm cơm vì những cuộc đột xuất tiếp khách trong việc làm ăn của con.

Căn nhà trở nên rộng hơn, không một âm thanh. Chan miếng canh vào chén cơm cho dễ nuốt, bà dùng thìa múc từng muỗng một cách thờ ơ, sự va chạm nhỏ cũng tạo nên tiếng vang rất rõ, vọng lại từ nỗi cô đơn xế chiều.

Nhìn thố cơm trắng còn đầy nguyên bà chợt nhớ đến cái hũ gạo ngày xưa. Khi cái lon đong gạo chạm đáy, âm thanh sắc nhọn vỡ ra, xoáy buốt nỗi nhọc nhằn, đè nặng trái tim bà.

Bà ngồi trên chiếc xích đu trước hiên nhà trong ánh sáng nhạt từ phòng khách hắt ra, gió đưa hương những khóm hoa hồng phảng phất êm đềm, lắng dịu của đêm.

Dõi tầm mắt xa xăm qua cánh cổng rào thưa, bà có thể nhìn thấy con đường tấp nập người và xe qua lại. Mọi người vội vã.

Trước đây bà cũng vậy, ra khỏi nhà khi mặt trời chưa mọc, trở về đường phố đã lên đèn. Thỉnh thoảng có ngày nghỉ, bà tìm cơ hội để chào hỏi hàng xóm. Trong bà như có ai đó đốt lửa, một tháng ba mươi ngày, một năm mười hai tháng, như chiếc kim đồng hồ không ngừng nghỉ. Đâu là sức mạnh?

Gần đến cuối đời, nhìn lại những đoạn đường đã qua, mỗi một bước chân đi in dấu tình thương và các con chính là động lực. Nhìn con lớn lên từng ngày, được cắp sách đến trường, cấp một rồi cấp hai, cấp ba, vô đại học. Bà không còn biết đói, biết lạnh, cũng quên mất cảm giác thèm ăn món gì, chỉ suy nghĩ nấu món ngon con thích, ăn no đủ để lớn.

Thời gian như chớp mắt. Mới đó con bà đã khôn lớn. Có thể yên tâm mà hưởng phước tuổi già, không còn lo nghĩ. Bà đã sử dụng thời gian trong ngày của mình với nhiều công việc, không muốn đối diện với khoảng trống.

Vậy nhưng cũng có lúc nằm thừ ra không biết làm gì, lắng nghe cơ thể đau chỗ này, nhức chỗ kia và trong đầu vang lên những câu hỏi: “Bà đã thật sự già rồi sao? Bà đã trở nên vô tích sự hồi nào thế? Sao lại bạc nhược như thế này?”

HỦ GẠO

Cưới vợ cho con trai, bà đã một bước tròn tâm niệm. Có những lúc một mình trong căn nhà vắng vẻ, ngồi trước di ảnh người chồng quá cố, lặng đi với cảm giác trở về thật xa ngày ông còn sống. Nắm tay đi hết đoạn đường đời/Nào ngờ sóng vỗ bão tơi bời/Thuyền nan một mảnh tay chèo ngược/ Thuận với vô thường đợi tới nơi. Bà đã đợi được ngày này. Ngày mà sự an yên cho bà cảm giác cuộc đời đã lãng quên chính mình.

Trời trở gió thổi tung những chiếc lá rụng rơi đầy hàng hiên, lao xao lùa về cuối góc thấp, nép vào đêm yên phận. Bà tựa đầu vào chiếc xích đu, khép hờ đôi mắt, lội ngược dòng trong thế giới tĩnh mịch, trộn lẫn những suy nghĩ mông lung, muốn tách ra, sắp xếp chúng lại ngày hiện tại.

Bà muốn thêm nắng, thêm gió, thêm vận động để ngày sống thêm ý nghĩa. Đời là một chọn lựa, bước xuống hòa mình vào luân chuyển sự sống hay tự nhốt mình trong bốn bức tường với một mặc định già nua, hết thời gian còn lại? Trong bà đã có quyết định.

Có tiếng chuông làm bà giật mình trở về thực tại, bước ra nhìn qua ô nhỏ thấy con về tới, vội mở rộng cửa. Chiếc xe hơi màu đen chạy thẳng vào nhà rồi tắt máy. Bà bước vào phòng khách, bật cái tivi cho vui tai.

Cùng lúc con trai và con dâu bà lên tiếng:

– Con chào mẹ.

Mặt bà tươi tỉnh hẳn lên, liền hỏi:

– Các con có ăn thêm gì không?

Tiếng con dâu trả lời:

– Dạ không.

– Vậy các con tắm rửa rồi nghỉ ngơi cho khỏe.

Con trai quay qua nói với vợ:

– Em lên phòng tắm trước đi, anh chơi với mẹ chút.

Nói rồi nó sà xuống bên cạnh, trong chiếc ghế sopha dài gối đầu lên chân bà, dài giọng:

– Mẹ gãi đầu cho con.

Bà cười khẽ:

– Có vợ rồi còn nhỏng nhẻo.

Miệng nói thế nhưng bà vẫn gãi đầu cho con trai như hồi còn nhỏ. Đầu nhiều tóc, đen mun, ngày xưa bị bạn chọc quê cái đầu tóc rễ tre lúc nào cũng khét nắng, bây giờ đã hớt cao gọn gàng.

***

Thời sinh viên nó vừa học vừa làm, gà-mên cơm mẹ bới cho treo lủng lẳng bên chiếc xe đạp, tới bữa thường ăn chung với bác bảo vệ trong khi các bạn xuống căn tin.

Ra trường ngày làm hai ca, nó cũng như bà trở về nhà khi mặt trời đã đi ngủ. Một ông chủ trẻ nghiêm túc với công việc, ba mươi ngoài mới dẫn cô dâu của mình về ra mắt mẹ. Bà cưới vợ cho con, mong mau có cháu nội cho vui cửa nhà.

Bình minh như một sự chờ đợi, dậy từ rất sớm với thói quen thời vất vả, những người phụ nữ một nắng hai sương thời gian chừng không đủ. Họ làm việc, chợt bàng hoàng không biết trời đang vào khuya hay đã về sáng.

Bên ngoài tờ mờ cảnh vật, chỉ chờ có thế, bà mở cửa bước ra tạ ơn thượng đế một ngày mới. Vươn vai với những động tác thể dục cho máu huyết lưu thông, bà cảm giác thật sảng khoái. Quét sân, hốt lá rụng, bật vòi nước tưới những chậu cây cảnh và tia nắng đầu tiên bắt đầu xuyên qua những giọt nước lấp lánh phản chiếu đủ sắc màu, ánh sáng đó ban phát sự sống, trải dài vô tận.

HỦ GẠO

Nguồn ảnh_ Renny Movita

Các con đi làm, trả lại cho bà không gian lặng yên! Công việc làm thoáng đã xong. Mở tủ lạnh bà ngao ngán: đồ ăn hôm qua vẫn còn nguyên. Thừ người ra, nhớ ngày con còn nhỏ, chẳng có bữa nào là thịnh soạn, sao mà ngon lạ! Bà chỉ tính đủ phần con, còn mình ăn những gì còn lại để không phải phung phí. Vậy mà cái hũ gạo của bà chẳng khi nào đầy.

Bữa ăn là một ân huệ, không chỉ thức ăn mà được cùng ăn với người thân trong yêu thương gắn kết. Uống vội ly sữa, bà thay bộ đồ tươm tất, với tay lấy cái túi xách, bỏ vào những thứ cần dùng, không quên mang theo chai nước lọc. Trong bà nôn nao như thiếu nữ lần đầu đi hẹn hò.

Hôm nay bà định bụng bước ra ngoài kia, nơi con đường dẫn lối không có đích đến, chỉ muốn đi lại những bước ngày xưa với một tâm thái khác. 

Sài gòn với nhiều tuyến xe buýt, phương tiện giao thông giữa các quận, huyện. Từ nhà, bà đi bộ một đoạn ngắn là có trạm. Bà đứng ở trạm chờ thật nhẹ nhàng, như người đi rong chơi, không mang theo một đống hàng hóa như thuở nào trong buổi chợ sớm mai đầy áp lực.

Vừa lúc có chiếc xe buýt ghé vô. Bước lên xe, theo thói quen bà chọn hàng ghế thứ hai sau lưng tài xế, đó là ghế ngồi gần cửa để xuống hàng cho lẹ. Yên vị chỗ ngồi, trả tiền vé, đảo mắt một vòng bà thầm nghĩ “Xe giờ này không đông như xe sớm mai”. Cảm giác thân quen, gần gũi khiến bà cứ tủm tỉm cười.

Chuyến xe ngày cũ của bà thật vội, lên xe hấp tấp, kiểm lại hàng hóa. Nghề làm bếp trong đầu chỉ có thực đơn và nguyên liệu.

Bên ngoài màn đêm với những ánh đèn lấp loáng. Tựa đầu lên thành ghế bà ngủ giấc mộng thường chập chờn tiếp nối, mặc cho xe ghé vô bao nhiêu trạm nhưng khi đến điểm dừng của mình mới bật dậy tỉnh táo, bước xuống xe với lủ khủ hàng hóa.

Trời vừa chớp mắt ưu tư với ánh sáng nhạt, trách bà sao sớm rộn ràng đánh thức. Bà đi cho kịp thời gian, khi sương đêm còn thấm lạnh vai áo, con trăng về muộn, dõi theo bà qua mỗi mùa vơi, đầy nhọc nhằn.

Trở về chiều ở trạm chờ xe buýt, có những hôm thành phố ngập trong mưa mùa, mắt môi tím tái co lại giữa lồng lộng ướt run, bà như manh áo thô trở tứ bề giữa nắng mưa cuộc đời, vá víu yêu thương, hong khô muộn phiền. Khi chuyến xe chuyển bánh mọi địa chỉ lướt qua thật mơ hồ nhưng trong bà đã có đích đến.

Khẽ thở dài, mới đó đã hơn hai mươi năm. Trước đây quá vội với ngày sống bà không còn thời gian quan sát chuyển động chung quanh, không cảm nhận được sự huyền nhiệm từ cuộc sống.

Xe đã vào trung tâm thành phố. Bà xuống xe tại một trạm không định trước, đứng lại định thần nhìn quanh, bước những bước thật chậm, như người ở dưới quê mới lên, hết nhìn bên này lại nhìn bên kia rồi ngửa cổ mút mắt tòa nhà cao tầng, dãy phố với nhiều cửa tiệm bày bán đủ mặt hàng sang trọng, người qua lại tấp nập.

Bà được sống trong một thành phố văn minh, giàu có, tiến bộ mọi mặt, vậy mà trước đây không biết, hay nói đúng hơn những người mưu sinh vất vả, thời gian ngủ còn không có, lấy đâu thưởng lãm cuộc sống… Định bụng mỗi ngày sẽ đi một tuyến đường, muốn nhìn ngắm nơi cho bà đủ cảm xúc để nhớ về hai tiếng gọi quê hương! 

Cho đến một ngày, bà xuống trạm xe buýt, còn đang tần ngần dõi tầm mắt chung quanh. Phía bên kia đường có một quán cơm từ thiện với cái tên “Niềm Vui” gợi sự tò mò.

Chưa vội bước qua, bà ghé vô xe bán nước dạo bên đường ngồi xuống, vừa uống từng ngụm trái dừa tươi, mát lạnh, vừa làm quen hỏi thăm cô chủ. Được biết quán chỉ phục vụ hai ngày giữa tuần. Tiếng cô hàng nước cất lên “Sắp tới giờ cơm trưa rồi, lát bà sẽ thấy người ta đến đông lắm”.

Bà ngồi tám chuyện được một lúc. Quán bên đường bắt đầu có khách đông dần, đa số là dân lao động, không biết họ đến từ đâu? Bà hiểu được cảm giác này. Có phần cơm từ thiện, tiết kiệm được chút tiền. Giữa cái nắng ban trưa, bà nghe nao lòng như đứng trước một chiều thu hiu hắt khiến nước mắt chảy tuôn.

Mang vội mắt kiếng giấu đi cảm xúc của mình, bà thầm nghĩ “Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nếu không may gặp bất hạnh, xin có đủ nghị lực để vượt qua và vươn tới”.

Bà đứng lên, không quên cảm ơn cô chủ, mạnh dạn bước qua bên kia đường. Chỉ còn vài người khách sau cùng, quán cơm từ thiện cũng khá rộng. Người đứng gần cửa lên tiếng “Bà dùng cơm?” Một người khác: “Bà vô trong ngồi cho mát.” Ngồi xuống một chiếc bàn gần quầy, bà khẽ nói “Cho tôi ít cơm thôi”.  Vừa ăn bà vừa quan sát: Có tất cả bốn người, họ đều là những người lớn tuổi, căn bếp không được sắp xếp theo đúng quy trình một chiều nên bừa bộn vướng víu. Bà tự cười thầm mình với cái nhìn nghề nghiệp.

Ăn xong bà đánh bạo hỏi thăm người đàn ông đứng ở quầy, chắc cũng trạc tuổi bà, nãy giờ nghe người khác gọi là ông Tư. “Ở đây ông có cần người giúp không?” Bỏ cặp mắt kiếng, ông ngước nhìn bà hồi lâu rồi trả lời: “Ở đây chúng tôi không thuê người làm, như bà thấy đó, bọn già chúng tôi tự làm tất cả”. “Không! Không, ông đừng hiểu lầm! Tôi chỉ muốn giúp! Tôi có thời gian và biết nấu”.

Những người khác nghe bà và ông Tư nói chuyện như hiểu ra. Ai cũng bỏ việc đến bên quầy góp vô mỗi người một câu. Họ là những người bạn đã về hưu, muốn sử dụng thời gian còn lại thật hữu ích.

Họ không muốn tự kỷ ám thị về hai tiếng tuổi già. Không muốn làm gánh nặng tâm lý cho con cái. Nuôi con lớn đó là bổn phận cha mẹ, hãy cho con sự tự do sống cuộc đời của nó.

Chỉ sau thời gian ngắn ngủi nói chuyện, làm quen giới thiệu về nhau, bà với họ như không còn khoảng cách. Sự đồng cảm trong suy nghĩ khiến mọi người xít lại gần nhau. Vẫn là tiếng ông Tư “Được bà chị giúp cho một tay còn gì bằng, nhưng phải cho con biết nhé”. “Ông yên tâm, tôi biết sắp xếp”.

Cảm giác trên con đường trở về khác hẳn lúc đi. Bà tìm cảm hứng cho ngày sống để xua tan sự nhàm chán! Được làm việc, được phục vụ người khác đó là niềm hạnh phúc. Bên trong bà như có ai đang nhóm lửa. Bà không muốn lặng đi trong cái tĩnh mịch thời gian chờ đợi sự chết, chỉ là một chuyến đi về, cứ thuận theo tự nhiên mà đến.

Xuống trạm xe buýt, bà bước chân sáo, lòng khấp khởi vui như cô gái đang xuân. Vô nhà rót ly nước lọc uống một hơi rồi đi thẳng xuống bếp đến bên cái hũ gạo, tâm hồn bà đang chuyện trò cùng hũ gạo.

Bà truyền cảm hứng và niềm vui cho nó! Từ nay nó không phải bị bỏ quên trong xó bếp với số gạo cũ xì, nhạt thếch, cứ phải ôm ấp giữ lấy do những buổi cơm vắng bóng con. Ngày mai bà sẽ đem hết số gạo này đi, để hũ gạo lại được đong đầy tươi mới.

Bà đến quán cơm từ thiện cũng vừa kịp lúc mọi người. Ai nấy rất vui khi thấy bà trở lại. Bà Tám lên tiếng “Chị mang gì nhiều vậy?” Bà cười vui trả lời “Có gì đâu, chỉ một ít gạo và rau”.

Vào căn bếp nhìn quanh một lượt, bà muốn một vài thay đổi cho tiện công việc. Chỉ một loáng là xong (tổ chức bếp là nghề của bà) Nhân lực hôm nay có thêm bà là năm. Được xào, được nấu, nghe lại âm thanh lửa bừng lên từ cái bếp khè, mùi thịt cháy xém gia vị khi chiên thật hấp dẫn.

Bà như linh hoạt hẳn lên không còn cái vẻ trầm mặc thường ngày. Ai nấy đổ mồ hôi sau một hồi làm việc nhưng ánh mắt họ lấp lánh niềm vui, nụ cười rạng rỡ. Ai cũng có cái để cho đi và đó là hạnh phúc. Đến giờ ăn, từng tốp người cứ thế vào quán.

Khách như quen thuộc với chỗ ngồi thường ngày. Năm người phục vụ luôn tay trong thoáng chốc đã hết sạch thực phẩm. Hết giờ, họ ngồi lại bên mâm cơm với những gì còn lại. Những con người tìm vui trong việc phục vụ, ngày qua ngày, sẻ chia từng mẩu chuyện đời có lúc tưởng chừng không qua được.

Hôm nay ông Tư nhắc chừng “Bà Hai! Chị lưu địa chỉ và số điện thoại vào sổ nhé!” Khẽ cười bà lên tiếng “Yên tâm, tôi còn mời mọi người đến nhà tôi một chuyến cho biết.” Nói rồi bà vỗ vỗ vào cái thùng nhựa cứng đựng gạo kế bên “Cái hũ gạo này trách nhiệm không của riêng ai! Tin đi nó không những đầy gạo mà còn nở hoa nữa”. Ông Tư tròn xoe mắt với câu nói bỏ lửng của bà.

Chào mọi người ra về, đứng ở trạm chờ bà nghe nhói ngực trái. Đưa tay lên xoa ngực vẫn là thói quen mỗi khi bà thấm mệt với hơi thở thật nặng nhọc. Mới đó đã tròn một năm kể từ lần đầu tiên bà bước chân vào quán cơm từ thiện “Niềm Vui”.

Tình cảm mọi người dành cho nhau rất tốt. Ở đó bà tìm thấy sự ấm áp như ngôi nhà thứ hai của mình. Xuống xe bà bước đi trong trạng thái không trọng lực. Trái tim bà mơ hồ thổn thức. Bệnh cũ rồi, bà biết có ngày này, cứ thế mà đến sao! Gọi điện cho con, “con trai”, tiếng bà đứt quãng rồi tắt lịm. Không biết bà có kịp nghe ở đầu bên kia tiếng con trai thảng thốt gọi mẹ.

***

Ông Tư và những người bạn ở quán cơm từ thiện đứng lặng trước di ảnh người đàn bà. Những bàn tay run run với nén nhang không đành lòng cho tiễn biệt. Khuôn mặt người trong khung ảnh đang nhìn họ như mỉm cười.

Con trai bà Hai đưa cho ông Tư cuốn sổ tiết kiệm người mẹ để lại cho quán cơm từ thiện.

Đâu đó trong đầu ông lại vang lên: “Cái hũ gạo này trách nhiệm không của riêng ai”.

Những giọt nước mắt không cầm được chảy dài.

Cả một đời nước mắt cứ chảy ngược vào trong như đến giới hạn. Họ muốn được khóc thật to như đám trẻ con phật ý.

Hẹn gặp lại những đóa yêu thương đã nở hoa giữa hũ gạo cuộc đời.

Lê Yên
Sài Gòn, 11/5/2020