Lời tựa tác phẩm Tình Trong Ánh Mắt của tác giả Bác sĩ – nhà văn Lê Trọng Lộc

Lời tựa tác phẩm Tình Trong Ánh Mắt của tác giả Bác sĩ – nhà văn Lê Trọng Lộc

Lời tựa tác phẩm:

Tình Trong Ánh Mắt

Bác sĩ – Nhà văn
Lê Trọng Lộc

Bạn có bao giờ đi qua chợt khựng lại khi bắt gặp một ánh mắt. Nó ở lại trong bạn, khiến bạn suy nghĩ, trăn trở. Bạn không nợ ai vì những đau khổ của họ. Chỉ là bạn nợ cuộc đời này rất nhiều, khi mỗi ngày bạn hiện diện trong nó với tiếng cười, hạnh phúc lấp lánh trong mắt bạn. Bạn đã nhận rất nhiều. Từ tia nắng, giọt mưa, khí trời và hạnh phúc bạn đang có. Bạn ngang qua một con phố, dưới trời đêm giá rét. Một người vô gia cư với đôi mắt mệt mỏi cố làm trò để được bố thí. Hy vọng một vài người khách đưa tay ra để bụng khỏi cồn cào vì cơn đói. Phố vẫn thưa người. Bạn chợt xót xa… Rồi dừng lại…!

Thời gian dán những cột mốc lên tường ký ức. Ở đó chúng ta nhận ra mình với những thăng trầm cuộc sống. Mất mát, đau khổ. Những gì ta trải qua hoặc bắt gặp trên con đường đi tới. Tất cả như lớp trầm tích, ẩn mình dưới rong rêu thời cuộc. Thời gian như mắt xích nối những toa tàu nặng trĩu, chở đầy bi, ai, hoan lạc… Đến một ngày ta muốn hét lên. Muốn được giải thoát để tâm tư nhẹ hơn, nhường chỗ cho yêu thương. Những khao khát đong đầy trong ánh mắt… Của anh. Của chị. Của tôi. Và bao nhiêu con người ngoài kia đang đăng đẳng sự kiếm tìm. Kiếm tìm yêu thương và sẻ chia giữa cuộc đời phai màu vô cảm. Khao khát đó đau đáu trong lòng một người. Đó là bác sĩ Lê Trọng Lộc.

Tôi thực sự xúc động với tác phẩm: Tình Trong Ánh Mắt của anh. Chỉ với  tên tác phẩm đã nói lên tính nhân văn về cuộc sống.

Một bác sĩ mỗi ngày phải đối diện với bệnh nhân. Phải chịu trách nhiệm trước sự sống chết. Anh đã đối diện với từng ánh mắt lạc thần mà trước đó là sự khẩn khoản cầu cứu. Anh giành giật sự sống từ tay thần chết luôn lãng vãng đi tới, đi lui, chực sẵn trong bệnh viện. Một bác sĩ giỏi với đôi tay vàng và một tấm lòng nhân ái. Khi anh đã cởi bỏ đôi bao tay dính đầy máu và tuyên bố thua cuộc. Dù anh đã tận lực với bao kinh nghiệm, kiến thức và tài liệu. Để rồi anh nói tiếng xin lỗi. Lòng anh đau. Tim anh thổn thức trước sự mong manh của phận người. Chỉ trong tích tắc vàng, anh có thể giữ lại được một mạng người. Anh luôn vội. Để không kịp… Anh đứng chờ với tư thế sẵn sàng ở cửa phòng cấp cứu. Chuẩn bị một cuộc chiến với thần chết. Từng bước chính xác và cẩn trọng, như từng đường dao mổ trên bệnh nhân. Anh không muốn làm người đưa đò mà dòng sông chỉ có bóng đêm thăm thẳm về một cõi hư vô nào đó. Giọt nước mắt còn sót lại với tiếc nuối, cuối đôi mắt một thể xác không hồn ray rứt tâm tư… Thế rồi anh viết…! Anh viết một sáng, một chiều. Những điều dội lại từ cõi lòng khắc khoải… “Một ánh nắng ban mai rực sáng xuyên qua cửa sổ, chiếu thẳng xuống chiếc quan tài như đang đón nhận một thiên thần trở về chốn vĩnh cửu bình an. Ngọn lửa trong lò hỏa thiêu cháy bừng như đang đốt tan bao nỗi cô đơn của một tuổi đời nhỏ bé. Ba nó lặng nhìn, chốc chốc nấc lên từng nỗi nghẹn ngào ân hận.” (Trích: Tiếng chim hót sau vườn.)

Có những lúc cơ thể mệt rã rời sau ca trực. Cởi chiếc áo choàng trắng, muốn trở về nhà bên vợ hiền con ngoan. Thèm ăn một bát súp nóng. Muốn ngủ một giấc không chập chờn mộng mị. Nhưng chỉ cần lắng nghe, đâu đó có người đang cần bác sĩ. Lại không đành lòng… “Tôi bước vội ra khỏi văn phòng, chạy theo người bệnh nhân ở cuối hành lang đang chậm rãi đến thang máy.

– Ông ơi! Mặc dù tôi không phải là bác sĩ của ông nhưng nếu ông cho phép, tôi có thể khám cho ông hôm nay được không ạ?” (Trích: Chuyến xe định mệnh.)

Cuộc đời với nhiều bất ngờ. Được, thua, may, rủi như trò cút bắt!

Chúng tôi là những người bạn. Biết anh thuở còn là một thằng con trai tóc còn khét nắng, mặt mày đen nhẻm. Tôi với những bạn gái khác, tóc buộc đuôi gà vừa biết làm duyên. Cuộc chiến nào rồi cũng có hồi kết. Nhưng hồi kết đó làm cho chúng tôi như đàn chim nhỏ tan tác. Vùng quê nắng, gió cháy khét yêu thương. Chúng tôi nhặt nhạnh những kỷ niệm, hình ảnh bạn bè, gói kĩ, cất thật sâu… Tưởng rằng nó mờ nhạt với thời gian. Bốn mươi bốn năm. Cuộc đời cho chúng tôi một cơ hội. Như thượng đế thấu suốt và xót thương. Gặp lại anh! Chúng tôi còn ngỡ ngàng, lạ lẫm nhau. Nhưng khi từng lớp ký ức được lật qua cùng quê hương! Quê hương như dòng sông như suối Thương quê tôi. Như cơn gió hanh khô dưới cái nắng chang chang trên đường đi bộ đến trường. Chúng tôi vỡ òa cảm xúc… Mừng quá! Mừng đến rơi nước mắt. không cần biết bây giờ anh ấy đứng ở đâu giữa thế giới bao la rộng lớn này. Giữa chúng tôi vẫn gắn kết một tình bạn thật gần.

Vì chúng tôi vẫn có chỗ trong trái tim đầy yêu thương, đã lần về chốn cũ thăm lại bạn bè xưa ấy. “Tôi bay về bên ấy để tìm lại lối xưa đã thoáng mờ trong ký ức. Tôi ngơ ngác quay nhìn, cố tìm lại bóng dáng của những đứa bạn thân thương, cố nghe dư âm vang vọng của những tiếng cười hồn nhiên có lẽ đang còn vấn vương trên những cành lá ở sân trường. Nhưng tất cả đều im lìm, đìu hiu dưới trưa hè nắng cháy. Những ánh mắt hao gầy, đang bận bịu với cuộc sống vất vả hàng ngày, hững hờ không vướng bận. Dòng suối Thương cũng vô tình hơn năm nọ, có lẽ đã chứng kiến buổi chia ly nên muốn cuốn trôi tất cả đau buồn vào dĩ vãng. Tôi lặng lẽ đứng nhìn, rồi quay lưng rảo bước, rưng rưng với một nỗi buồn bất tận. Tuổi thơ lại được đóng kín trong đáy mộ tâm hồn…”(Trích: lối Xưa.) Rồi mấy chục năm sau loạng quạng tìm chiếc kính trên bàn, để đọc những bài viết, những lời nhắn tin… Tôi ngưng lại trong khoảnh khắc… Con chữ như cùng tôi rưng rưng. Cảm giác nghèn nghẹn muốn khóc. Tôi có một người bạn trọng ân tình, lợi danh như gió thoảng…!

Những bức hình chụp chung được gởi về. “Bạn có nhận ra Lộc không? Làm sao không nhận ra bạn mình với nụ cười tỏa nắng chứ! Hi…” Tôi bất ngờ khi gặp lại anh. Chỉ một điều bất ngờ lớn hơn, Anh còn nhớ chúng tôi. Những người bạn quê. Chỉ có một trái tim biết yêu thương mới nuôi dưỡng yêu thương!

Anh có một gia đình hạnh phúc. Người vợ xinh đẹp, hiền thục và những đứa con ngoan. Người đàn ông của gia đình này như chàng lãng tử. Ngoài viết văn, anh còn làm thơ, những áng thơ mượt mà tha thiết. Công việc đầy áp lực của một bác sĩ không làm khô héo cảm xúc, niềm đam mê được viết. Anh viết lên nỗi buồn, niềm vui, những nỗi đau tưởng chừng của ai đó khiến anh trăn trở.

“Những ngày xưa ấy nhớ không em
Khi ánh bình minh trải mái thềm
Em cười ngắm cảnh hoa xuân nỡ
Anh ngẫn mắt nhìn mây trắng lên

Nhớ bước đường yêu mãi đợi chờ
Sân trường hoa cỏ mộng đơn sơ
Ngắm ánh nắng vàng trên mái tóc
Mơ ước âm thầm dệt nên thơ

Hương yêu thương tỏa lắm ngọt ngào
Hoa tình nỡ thắm mộng chiêm bao
Thoảng trong hơi ấm tình chăn gối
Thức tỉnh giấc mơ buổi ban đầu

Duyên mình hẹn ước thủa xa xăm
Vẫn mãi tình xưa vẫn mặn nồng
Vẫn thoáng hương tình trong nắng ấm
Mộng tình say đắm đến trăm năm.”
(Mộng Tình. Đây là bài thơ ngọt ngào anh dành tặng cho vợ yêu quý.)

Trăm năm… Mãi mãi… Mãi mãi… Những tưởng không còn điều gì đẹp hơn tình yêu trong lòng anh. Tình yêu đó không chỉ dừng lại ở người thân mà lan tỏa ra nơi trái tim anh hướng về. Bạn bè của anh. Bệnh nhân của anh… Nơi những ánh mắt mà anh chạm phải… Muốn được cho đi điều người khác khao khát.

Hạnh phúc gia đình anh như một đóa hoa có đủ hương sắc tròn đầy. Sự lấp lánh đó sáng lên trên những mảng tối phận người. Tôi chợt bùi ngùi với nước mắt… Nước mắt không chỉ được vắt ra từ những đau khổ mà hạnh phúc cũng làm ta nao lòng. Trên cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp…!

Một bác sĩ. Anh viết như rong chơi giữa vô thường. Đó là mảnh vườn tâm hồn anh gieo trồng yêu thương, mong được đâm chồi vươn nhánh ra xa. Trong mỗi câu chuyện của anh đều là các sự việc có thật, những tháng ngày đã qua anh bắt gặp và sẻ chia. Nhẹ nhàng, trong nắng sớm mùa Thu. Một chút bâng khuâng, mang mang buồn, chút tiếc nuối, thương cảm đến rơi nước mắt… khi theo anh trên từng cung bậc cảm xúc của Tình Trong Ánh Mắt.

Cám ơn anh – Bác sĩ Lê Trọng Lộc. Tôi thích gọi anh là nhà văn, để còn được thưởng thức những tác phẩm hay sắp tới.

Bạn và tôi hãy cùng theo anh từ con chữ đầu tiên với Tình Trong Ánh Mắt bạn nhé!!!

Lê Yên
Sài Gòn. 2/9/2019

Đêm

Đêm

ĐÊM
Đêm

Đêm

Đêm lặng

gió lạnh

tiếng mưa rơi…

Đàn ai buông lơi thoảng xa gần

Cung trầm nốt bổng chừng len lỏi

Cô đơn theo gió nhẹ chơi vơi

Đêm lắng

chợt nghe

nỗi buồn tôi…

Cùng tháng năm qua với khóc- cười

Réo rắt hôm nay cung đàn ấm

Chợt nhớ nắng vàng thuở xa xôi

Đêm ru

giấc mộng

nửa vời…

Thèm mơ hơi ấm một thời chiếu hoa

Lặng nghe gió hát tình ca

Giật mình chợt tỉnh vỡ xa mộng đời.

Lê Yên.
22/8/19.

Nắng nhạt

Nắng nhạt

Nắng nhạt
nắng nhạt

Nắng nhạt

Thy bước ra nhìn trời, mây thấp xuống âm u như muốn chuyển mưa. Từng cơn gió mang hơi nước, cuốn bụi, thổi ngược chiếc nón lá của Thy. “Cầu trời đừng mưa!” Thy nguyện thầm.

Cứ khoảng 3 giờ chiều Thy lại dọn hàng đi bán, đúng giờ anh xe ôm chở thuê lại đến, lâu ngày thành mối, anh ta vốn ít nói, vậy mà công việc của Thy anh thuộc nằm lòng, cứ thế không cần phải dặn dò chi. Bữa nào cũng bung dùm cho Thy cái dù che mưa, nắng.

Thy bán hàng ăn ở chợ chiều. Dân Sài Gòn thích ăn vặt. Ẩm thực đường phố trở nên hấp dẫn, sau một ngày làm việc, có thể cùng bạn bè thư giãn, tự thưởng cho mình, chợ không thiếu món gì. 

Chồng Thy lở thầy, lở thợ nên cứ phải đi kiếm cơ hội…

Tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào gánh hàng của Thy. Có những chiều con trai không có tiết học, ra chợ phụ mẹ. Những món ăn sang trọng từ nhà hàng được bày bán vỉa hè đông khách. Thy bán hàng mềm mỏng nên rất được lòng. Trời thương ngày nào cũng bán hết.

Có lần con trai chở cho mẹ nồi súp lớn, trên chiếc Ba-bét-ta cũ kỹ, chân phải nhón mới tới đất, không giữ được nồi súp đổ sạch. Thy sợ hãi, điếng người. Cảm giác như có vật nhọn đâm vào tim đau nhói, cảnh nhà nghèo, con phải làm những việc cố ngoài sức vóc. Thật xót! Ước gì mẹ dang tay đủ rộng để ủ ấp con, có thể lót đường cho đôi chân non nớt con đi. Chắc là con sợ hãi lắm! Cũng may con trai không bị bỏng, cảm giác đó cứ còn mãi ám ảnh Thy.

Nỗi lo lắng của Thy không tránh khỏi. Gió từ đâu đưa mây xám xịt một góc trời. Mưa bắt đầu rơi, cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt. Chợ chiều nhốn nháo, mọi người lo che chắn. Thy chồng hết bàn ghế lại, hạ bớt cây dù, rồi đứng giữ chặt. Sợ gió hất tung, sợ mưa bong bóng biết đến bao giờ mới tạnh.

Sài Gòn những chiều mưa, có cơn mưa như nghiêng trời đổ nước. Nỗi lo nhiều hơn cơn gió lạnh, gian hàng vừa mới dọn ra, bán chưa hết, nếu mưa lâu, nước ngập, những chiếc ghế nhựa bắt đầu trôi.

Những ngày mưa như thế này, Thy phải bán tới khuya trong bộ đồ ẩm ướt. The thắt theo từng cơn gió, Thy rùng mình. Nhọc nhằn nào cô cũng qua được. Chỉ là nỗi buồn… Nỗi buồn ăn mòn tâm tư, khi con đường phía trước còn thăm thẳm, cô không cho phép mình gục xuống.  Tan buổi chợ, con trai phụ mẹ dọn hàng. 

Chồng Thy chắc còn ngoại giao đâu đó!

Tiền kiếm được, phải ưu tiên tiền nhà, tiền học con, còn lại chi tiêu trong nhà. Một hôm, chồng Thy bắt gặp Thy cất tiền trong tủ quần áo. Đó là số tiền vừa đủ, để dành đầu năm đóng tiền học cho con sắp tới. Sự giận dữ không kiềm chế được, những âm thanh không đẹp dội vào tai Thy:

– Bà cất tiền riêng!

– Bà sống kiểu: “Cục c… gối đầu nằm!”

– Bà không quan hệ ngoại giao, ai chơi với bà!

Không chịu được sự sỉ nhục, Thy đứng bật dậy trả lời:

– Phải! Thy không biết ngoại giao, Thy không cho phép mình phí phạm thời gian cũng như tiền bạc cho những cuộc gặp vô nghĩa. Nhà này một mình anh ngoại giao đủ rồi.

Thy tức tối bật khóc, từng lời nghẹn đi vẫn nói:

– Tôi nói cho anh biết! Từ nay trở đi, tôi không để dành một đồng bạc nào, cho dù có lăn đùng ra chết!

Chồng Thy tròn xoe mắt ngạc nhiên, vì mỗi lần giận Thy làm thinh không nói, bỏ đi chỗ khác.

Hai đứa nhỏ dúm vào một góc sợ hãi.

Thy đau như cắt. Có chút nắng nào còn sót lại vụt tắt trong lòng Thy. Sự tổn thương như từng mảnh vỡ nhói buốt lòng tự trọng. Đêm nằm ôm con, nước mắt chảy tràn ngập nỗi lo. Lo trái gió trở trời, lo ba mẹ già ở quê lở có chuyện, lo con không tiền đi học.

Trước đây khi còn là giáo viên. Thu nhập không đủ để lo cho gia đình. Thy đã phải bỏ nghề ra ngoài bươn chải, đó là điều tiếc nuối không nguôi. Thy tự dặn lòng: “Dù có khó khăn đến mấy cũng phải cho con đến trường, vì chỉ có đi học mới thoát nghèo.”

Sống ở thành phố. Nhà nào biết nhà đó. Không hàng xóm láng giềng, đêm hôm có chuyện biết vay mượn ai. Thy nhớ quê. Hàng xóm láng giềng chạy qua, chạy lại. Củ khoai, trái ớt mà ấm áp nghĩa tình. Ra đi mưu cầu được vươn lên. Thy chợt nhớ câu nói của ông bà: “ Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn.” Tiếng thở dài được nén lại.

Ngày mai! Lại một ngày mai! Hôm qua nói mạnh miệng như thế, vậy mà…! Hôm nay Thy dọn hàng đi bán chợ chiều, lại cất những khoản tiền riêng. Nỗi lo sợ có thua gì nỗi đau! Mỗi một ngày qua, mỗi một đồng tiền cất riêng như vết cắt trong lòng Thy. Nghĩ thương con, Thy gạt bỏ nỗi muộn phiền.

Đó là khoảng thời gian đầu ở xứ người. Gánh hàng nhỏ Thy đã đưa được con đến trường. Chút nắng nhạt không đủ để sưởi ấm, căn nhà trọ trở nên rộng thênh thang như con đường hằng đêm Thy trở về.

Chồng Thy vẫn ngày ngày đi tìm cơ hội. Mọi việc làm xuất phát từ sự tự nguyện mới có kết quả tốt. Chính vì lẽ đó, Thy không bao giờ tạo áp lực, luôn mong cho anh tìm được một công việc phù hợp, chỉ mong anh sống tốt, sống trách nhiệm với hai chữ “gia đình”.

Bên ngoài nắng và gió vẫn quấn quýt yêu thương, đẩy những cụm mây xám về cuối chân trời. Trên nhánh sầu đâu trước hiên nhà, có đôi chim đang nhảy nhót chuyền cành, líu lo hót. Ngẩn ngơ đứng nhìn. Thy nghe lòng mình nhẹ hơn. Cuộc đời mỗi người giống như con thuyền ra biển khơi. Cảm xúc như từng con sóng có thể nhấn chìm bất cứ lúc nào. Có lúc chênh chao, mệt mỏi, nhưng đã làm mẹ rồi thì hãy mau mà vững lại để làm điểm tựa cho các con và đi cùng con từng bước trên con đường phía trước. Hãy gom những niềm vui nho nhỏ. Như hoa nắng lung linh để thấy nhà mình còn ánh sáng, còn hơi ấm cho các con.

Với tay lấy chiếc nón lá đội lên đầu, ra ngõ, ngoắc chiếc xe ôm, Thy lại đi chợ.

Lê Yên
8/17

Bồi hồi

Bồi hồi

Bồi hồi

Bồi hồi một chiếc lá rơi

Rớt vào nỗi nhớ tả tơi nỗi buồn

Khơi nguồn từng giọt lệ tuôn

Qua bờ môi mặn trôi luôn vào hồn

Cuốn đêm trong bóng nụ hôn

Khuyết vầng trăng bạc chợt hờn chiếu chăn

Trở giấc em chợt ăn năn

Nghiêng mình hiu hắt vết hằn cắt đau

Bồi hồi một phía không nhau

Phên thưa phòng trống ngày sau chưa về…

Lê Yên
19/03

Cánh diều

Cánh diều

CÁNH DIỀU
CÁNH DIỀU

Cánh diều

Ông Viễn bật cầu dao điện cho giàn phun sương. Những chậu cây cảnh thỉnh thoảng ông mua về đã chật khoảng sân trước nhà. Ông dậy sớm tập thể dục, chăm sóc vườn cây với không khí trong lành sớm mai đã trở thành thói quen nhiều năm nay.

Tất cả thật nhẹ nhàng, dễ chịu. Cứ thế cho đến khi tia nắng đầu tiên trong suốt xuyên qua từng cây lá, ánh vàng mỏng như cánh gián thật đẹp. Tới giờ ông chuẩn bị đi làm, chợt thấy cánh diều vướng trên hàng rào, ông nhẹ nhàng gỡ cánh diều mắc nạn đứt dây từ tay chủ nhân của nó. Chợt bùi ngùi nhớ…

***

Làng quê nằm dưới chân núi, chỉ có một con đường cắt đôi vùng đất thẳng ra biển. Khí hậu ảnh hưởng giữa cao nguyên và gió biển, sáng tối se lạnh. Cái lạnh miết vào da thịt, vai so lại co ro.

Ngày nắng rát cùng gió biển, từng cơn gió mang hơi nóng thổi thốc vào nhà, hanh như ngày hè thiếu mưa.

Chiều xuống những ngọn núi sẫm một màu tím trông thật huyền bí, vắt ngang những làn khói mỏng như chiếc yếm lụa của tiên nữ hạ phàm để quên.

Gia đình Phong Viễn đã chọn nơi đây làm quê hương với sự đẩy đưa của thời cuộc.

***

Bạch Vân, cô bạn nhỏ hơn Phong Viễn hai tuổi. Nhà Bạch Vân ở ngọn núi phía Tây, mặt quay về hướng Đông. Đường đi về độc nhất phải ngang qua nhà Phong Viễn, con dốc lượn theo triền núi lồng lộng gió.

Không biết gia đình sống ở đây đã bao lâu, nhưng khi có trí khôn Bạch Vân đã cho đây là quê hương mình. Hai đứa cùng đi, về trên con đường làng đến trường. Với những ngày mưa gió Phong Viễn đưa Bạch Vân tận nhà trên con đường trơn trượt sũng nước mùa đông. 

Thời gian vội qua. Hết những ngày bắt bướm hái hoa, cùng nhau lên núi hái sim rừng túm trong vạt áo, tìm một chỗ ngồi ăn, để mặt mày hai đứa loang tím, rồi nhìn nhau cười vọng cả không gian. 

Lên cấp ba, lớn cùng thời gian. Không biết từ khi nào giữa hai đứa đã có một khoảng cách giới tính. Bạch Vân e dè hơn, ra dáng thiếu nữ, xinh đẹp, dịu dàng, khẽ khàng trong tà áo dài trắng đến trường.

Làng quê với người dân hiền hòa, sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Có những năm hạn hán mất mùa nên việc cho con tới trường ít nhiều ảnh hưởng.

Phong Viễn có thêm một cậu em trai nhỏ hơn năm tuổi. Cuộc sống gia đình dựa nhiều vào mẹ, buôn bán ở chợ. Ba làm vườn mỗi năm chỉ thu được một hai vụ, có được có mất.

Tiếng trống tan trường đã điểm. Phong Viễn vội thu hết sách vở cho vào cặp, không kịp sắp cho ngay ngắn đã phóng ra cửa mong kịp cùng về với Bạch Vân.

Năm nay là năm cuối trung học của Phong Viễn. Ra tới cổng trường thấy Bạch Vân đi cùng mấy bạn, Phong Viễn giả vờ đi chậm lại phía sau. Trộm ngắm vóc dáng thon thả, mái tóc dài óng mượt ôm mềm phiến lưng xuân thì con gái.

Chơi với nhau từ nhỏ, nhưng tình cảm đó không còn đơn thuần là một tình cảm anh, em. Hình bóng Bạch Vân đã ăn sâu trong tâm Phong Viễn, có một tên gọi. Đó là tình yêu. Chỉ âm thầm, chưa một lần dám nói, dặn lòng phải thổ lộ tình cảm trước khi rời ngôi trường trung học này. Mãi nghĩ mông lung Bạch Vân đã qua ngã rẽ con đường về chung. Phong Viễn bước vội khẽ gọi:

– Nhỏ chờ anh với! 

Bạch Vân giả vờ không nghe. Tiếng bước chân Phong Viễn như gấp hơn, vừa thở hổn hển vừa trách:

– Sao anh gọi nhỏ không trả lời? 

Bạch Vân nghiêng đầu tủm tỉm cười.

– Anh Phong Viễn gọi ai?
– Gọi Bạch Vân chứ ai.
– Người ta lớn rồi, cứ nhỏ hoài.
– Thì không phải trước giờ quen gọi vậy sao!?

Trước đây những lần chung đường hai đứa hồn nhiên cười nói, như đôi chim sáo vô tư, còn bây giờ con đường đếm bước chân, có lúc Phong Viễn lúng túng không biết nói chuyện gì. Bên trong rất nhiều những ước mơ, ấp ủ cho tương lai… 

Quay sang Bạch Vân.

– Này nhỏ, học xong thích làm gì?
– Nhỏ thích làm bác sĩ hoặc cô giáo. Còn anh Phong Viễn thì sao?

 Dõi xa tầm mắt, giọng Phong Viễn trầm hẳn xuống:

– Anh muốn học bác sĩ rồi về đây làm việc trên quê hương mình, giúp những người nghèo. Hay làm một kỹ sư lâm nghiệp! Anh yêu màu xanh bạt ngàn trên những ngọn đồi, những khu rừng đã chết cần được hồi sinh. Màu xanh bảo vệ môi trường sống cho con người. 

Phong Viễn chợt buồn, điều kiện cuộc sống còn khó khăn, không biết ước mơ mình và Vân có đạt được không. 

Lên hết con dốc dài sườn núi là đến nhà Bạch Vân. Mặt trời xuống, trải một màu lam tím cho làng quê yên ã. Xa xa, khói bếp vươn lên thong thả giữa trời, tan loãng vào bóng chiều.

Mùa hè đến, cũng là lúc Viễn chia tay trường trung học, một ký ức dài tuổi hoa niên với từng khuôn mặt thân quen của thầy, cô, bạn bè. Tình cảm đó được trân quý gói cất vào bên trong.

Mùa thả diều vào những ngày đầu hạ, trẻ con trong xóm tụ tập lại khoảng đất trống cuối thôn, những cánh diều xanh đỏ đủ màu đua nhau lượn giữa từng trời. Mùa diều nào cũng có mặt Phong Viễn. Bạch Vân đứng bên cạnh vỗ tay mỗi lần cánh diều Phong Viễn bay lên cao nhất. 

Lớn rồi Bạch Vân không còn phơi nắng theo Viễn thả diều. Từ nhà, Bạch Vân dõi mắt theo những cánh diều tuổi thơ, mang theo ước mơ giấu kín bay vào không gian, gởi cho gió ngàn.

Đêm qua Phong Viễn trằn trọc mãi. Đứng trước mặt Bạch Vân để thổ lộ tình cảm sao mà khó quá, Viễn quyết định viết thư tình nhờ cánh diều đưa giúp. Viết rồi lại xé quăng sọt rác. Viễn vò đầu, nhắm mắt lại định thần, để cảm xúc lắng xuống. Mở cánh cửa sổ phòng.

Bên ngoài một khoảng trời lặng yên với vầng trăng mười sáu tròn vành, sóng sánh qua từng cánh lá xanh, mướt một màu lấp lánh như con sông trăng đang múa lượn giữa cõi nhân gian. 

Viễn yêu vùng đất này, yêu người dân chân chất nơi đây, nơi có người con gái dịu dàng đằm thắm yên vị trong trái tim Viễn.

Hít một hơi thật sâu quay lại với những lời chân thật được viết trên trang giấy học trò: “Anh sẽ là cơn gió/Đưa mây trắng em bay/Qua quãng trời đây đó/ Mỗi ngày tay trong tay… Nhỏ ơi! Từ lâu lắm anh không gọi tên em, hôm nay anh muốn gọi tên em một cách trân trọng nhất, để nói với em: Bạch Vân! ANH YÊU EM. Anh sẽ như cánh diều trong tay em lướt gió mãi mãi, vì sợi tơ lòng anh đã nằm trọn trong em…” 

Phong Viễn gấp lá thơ, ép trong vở rồi đi ngủ.

***

Chiều hè đã dịu cơn nắng, đám trẻ trâu trong làng đua nhau đi thả diều. Phong Viễn lấy con diều cất trên chái hiên xuống.

Buổi thả diều hôm nay thật đặc biệt. Nó không còn là buổi thả diều ăn giải như mọi năm và thật sự ý nghĩa với tất cả tâm ý Phong Viễn gởi vào cánh diều, vượt qua tuổi thơ đến một chân trời mới, trên con đường phía trước.

Ngọn gió Đông – Nam như hiểu được lòng Phong Viễn, cánh diều no gió mang lá thơ bay lên hướng ngôi nhà Bạch Vân cạnh sườn núi Tây – Bắc. Phong Viễn dõi theo cánh diều, dùng tay bắt loa lên miệng gọi lớn “Nhỏ ơi! Bắt lấy.” 

Cánh Diều thẳng cánh, căng sợi dây từ tay chủ nhân, lượn cái đuôi dài như nói với cô gái “Cô ơi có người gởi thư cho cô nè”. 

Bạch Vân với tay nắm lấy con diều, lá thơ cột bên dưới cánh diều như thở phào nhẹ nhõm “Cuối cùng thì ta cũng ở trên tay cô gái, trọn tâm niệm của cậu chủ.”

Phong Viễn thả lỏng sợi dây. Cánh diều mặc sức vươn cao.

Bạch Vân đọc những dòng chữ trên lá thơ, mặt nóng bừng, mắc cỡ. Cảm giác như từng bụi cây ngọn cỏ hiểu được nỗi lòng cô gái xuân thì… Gió lao xao nhiều hơn. Tình cảm mới lớn, sự vỡ ra cảm xúc đầu đời khiến tim Bạch Vân đập dồn. Tình cảm này giữa Phong Viễn và Bạch Vân chỉ cần một cái tên để gọi.

***

Mùa tựu trường, chỉ còn một mình Bạch Vân trên con đường đến trường. Phong Viễn thi đậu Y khoa, là niềm tự hào không chỉ riêng gia đình, làng quê vui hẳn lên. Ai cũng cầu chúc cho sự khởi đầu và chờ mong một kết quả tốt đẹp. 

Hôm chia tay dưới con đường họ đã qua mỗi ngày, họ đi từng bước chậm như sợ điểm dừng. Mọi cảnh vật hai bên nín lặng nhường không gian cho đôi bạn trẻ. Họ bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm thời thơ ấu qua đi trong mỗi mùa mưa nắng, từng con trăng dõi theo rưng rưng thương cảm.

Phong Viễn nắm tay Bạch Vân. Bàn tay nhỏ khẽ run trong hơi ấm khác lạ và cứ thế họ nắm tay nhau đi vòng ra phía sau nhà Bạch Vân, nơi có con suối cạn chỉ đầy nước vào mùa mưa.

Hai bên con suối có những tảng đá chồng rất đẹp. Trời đất làm chứng cho tình yêu của họ, cho nụ hôn đầu đời thật nhẹ nhàng tinh khiết. Phong Viễn thì thầm bên mái tóc mây thơm nồng hoa bưởi: 

– Nhỏ chờ anh nhé! 

Bạch Vân dạ nhỏ như một ước hẹn…

***

Thời gian thấm thoát trôi, tới lúc Bạch Vân từ giã mái trường trung học. Gia cảnh đơn chiếc, ba của Bạch Vân không còn. Một mình mẹ bươn chải nuôi con. Bạch Vân thương mẹ, chuyện Bạch Vân vào đại học là một vấn đề lớn.

Trong bối cảnh xã hội kinh tế khó khăn chung, Bạch Vân biết mẹ không đủ khả năng. Chiều xuống mẹ ngồi bên hiên nhà lặng lẽ, dõi mắt xa xăm… Mẹ có niềm vui không? Tối nằm bên cạnh mẹ, dúi mặt vào mái tóc thơm mùi bồ kết, Bạch Vân lên tiếng: 

– Mẹ ơi! Con không học đại học đâu. 

Mẹ quay lại hỏi:

– Sao vậy con? 

   Bạch Vân trả lời:

– Con tính học trung cấp y tế, khóa học chỉ hai năm, sau đó đi làm rồi học liên thông lên đại học. Con biết hoàn cảnh nhà mình, mẹ đừng lo nghĩ quá, vậy đi mẹ nhé!
– Mẹ xin lỗi con. 

Bạch Vân nhìn thấy giọt nước mắt lăn dài cuối đuôi mắt, ôm sát mẹ như muốn truyền một niềm tin “Chỉ cần có mẹ cạnh bên, con sẽ làm được.”

Nương theo cơn gió Bạch Vân đi vòng ra con suối cạn, chợt nhớ Phong Viễn… Nỗi nhớ như xé từng sợi nhỏ cảm xúc. Đến một hốc đá, trở thành cái ngăn riêng tư được Bạch Vân dùng viên đá khác làm cửa và ngụy trang bằng một bụi cỏ. Một chiếc hộp được mở ra…

Lá thư đầu tiên được xếp ngay ngắn cùng những viên sỏi nhỏ màu trắng Bạch Vân đã nhặt từ khe suối vào, đánh dấu ngày tháng mà cánh diều mang lá thơ của Phong Viễn đến bên Bạch Vân… 

Đếm thời gian ư! Bạch Vân chợt rùng mình khi nghĩ đến sự mong manh của tình yêu… Tình yêu có trường tồn không giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống…

“Ngày … Tháng … Năm…

Nhỏ thương!

Nơi anh ở rất đông người nhưng chỉ là người đông. Anh nhớ nhỏ làm sao đây! Anh tìm một góc giữa cái ồn ào, để chỉ mình anh lặng yên nỗi nhớ…

Nhỏ nè! Tại sao anh dùng chữ “Thương” vì nó vượt lên trên giới hạn của chữ “Yêu”. Khi yêu người ta đòi hỏi một sự đáp trả, qua lại, sự thất vọng trong tình yêu sẽ làm cho tình cảm quay ngược trở nên hận thù…

Khi vượt lên trên những điều bình thường của tình yêu, tình cảm đó lớn hơn, bao dung hơn. Yêu! Nó nghiêng về cảm xúc. Còn thương! Lặng hơn, trách nhiệm hơn và mãi mãi tồn đọng…

Bạch Vân áp lá thư lên ngực trái, nơi trái tim thổn thức “Phong Viễn! Sẽ là mãi mãi…” Nhìn cây đàn ghi ta treo trên vách tường như nghe tiếng Phong Viễn nói với cô “Anh để cây đàn này cho nhỏ như có anh bên cạnh, những lúc buồn hãy đánh đàn, anh sẽ nghe đấy! Nói rồi xoa đầu Bạch Vân cười…” 

Với tay lấy cây đàn, gảy những nốt trầm buồn, Bạch Vân như nghe văng vẳng tiếng hát với chất giọng trầm ấm “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ buồn không lên đôi môi/buồn đau hoen ướt mi ai rồi…(*) Nỗi buồn như rêu phong, đang bám vào tường tâm tưởng Bạch Vân. Cô nghe gió qua hiên nhà, rít lên dưới từng lớp lá nửa đêm…

Mùa hè là tháng ngày hạnh phúc, quấn quýt bên nhau với những ngọt ngào. Hai gia đình qua lại như một đính ước. Phong Viễn xong năm cuối đại học. Chương trình trung cấp hai năm của Bạch Vân cũng sắp hết. Họ đang tính chuyện tương lai.

Một sáng mùa Đông. Buổi sớm đã lất phất mưa. Từng cơn gió se thắt ngược hướng. Giọt mưa cứ thế hắt vào mặt, lạnh tê đầu lưỡi khi nếm từng hạt nước trên bờ môi. 

Bạch Vân gò lưng trên chiếc xe đạp đi chợ huyện hốt thuốc cho mẹ. Đã một tháng nay mẹ ho không hết. Thuốc đã lấy xong, ghé chợ mua một ít đồ dùng…

Hình ảnh trước mắt khiến Bạch Vân ngỡ ngàng… Ba Phong Viễn, đầu đội nón lá, thân hình gầy khô, lạc giữa chiếc áo mưa ngắn đến đầu gối, hai chân đã tím lại vì lạnh trên đôi dép lào trơn trượt, đang bơm từng chiếc bong bóng bán dạo bên hông chợ. Chợt trông thấy Bạch Vân với một thoáng bối rối. 

Bạch Vân lên tiếng:

– Dạ. Con chào bác! Con đi chợ.

Ba Phong Viễn vội dẹp đồ bán, chỉ vào quán nước bên cạnh, nói với Bạch Vân:
– Vào đây con, uống ly sữa nóng rồi về, bác cháu mình nói chuyện chút.

Bạch Vân “Dạ” đi vào quán, hai ly sữa nóng được bưng ra, Vân cho đường vào ly sữa đậu nành nóng khuấy cho tan.

– Con mời bác. 

Bạch Vân uống sữa không đường, nhấp một ngụm nhỏ ngập ngừng:

– Con không biết bác bán chợ huyện. 

Ba Phong Viễn nhìn Bạch Vân cái nhìn sâu thăm thẳm làm sống lưng cô lạnh toát… Rồi chợt nói với Bạch Vân:

– Hết năm nay Phong Viễn ra trường và còn thời gian thực tập việc, gia đình bác không còn khả năng. Bác cố xoay xở mọi cách, con đừng cho Phong Viễn biết. Bác biết tình cảm hai đứa đã gắn bó với nhau từ nhỏ, nhưng hai đứa không cùng tôn giáo, thời buổi này lý lịch ảnh hưởng nhiều đến con đường tiến thân.

– Đôi lúc yêu một người không nhất thiết phải ở bên người đó. Bác có một người bạn ở thành phố muốn gả con gái cho Phong Viễn, ra trường sẽ có chỗ làm tốt. Bác không nhận lời vì biết Phong Viễn chỉ thương mình con. Bác đã nợ người ta một số tiền, không biết làm sao để trả. Gia đình bác chỉ còn trông cậy vào Phong Viễn.

Bạch Vân chết lặng, cố kìm nén nước mắt khi nhìn bóng dáng người cha lưng còng như muốn gập xuống. Cuộc sống vất vả đã khiến ông già hơn tuổi rất nhiều.

– Bác xin lỗi vì phải nói với con những lời này. Bạch Vân đứng dậy cầm gói đồ đi như chạy nói lắp bắp

– Dạ không, bác không có lỗi.

Cô lên xe, đạp như ma đuổi dưới cơn mưa mùa. Nước mưa hòa cùng nước mắt tan chảy trái tim, làm sao cô chịu nỗi với ý nghĩ mãi mãi rời xa Phong Viễn…

Tiếng khóc của cô chỉ có trời xanh mới thấu. Cảm giác đau như ngưng thở. Bất giác cô chợt nhớ đến người mẹ luôn đặt tất cả hy vọng vào cô, vào hạnh phúc của đứa con gái. “Làm sao đây?” Đến với nhau, Phong Viễn sẽ mất đi cơ hội tiến thân… Cô biết thế nào là sự nghèo khổ, thế nào là nhọc nhằn của cha mẹ. 

Đến đầu con dốc vô nhà, cô đứng lại ngửa mặt để nước mưa trôi hết những ưu phiền đọng lại. Mẹ chưa sẵn sàng đối diện với chuyện này. 

Bạch Vân không thể giấu mẹ mãi. Mẹ đã khóc thật nhiều với cô. Cô gục trong vòng tay mẹ rên khẽ như con thú bị thương. “Mẹ ơi! Con phải làm sao?” Tiếng nói mẹ trầm ấm “Nếu con thấy xứng đáng, hãy yêu đến tận cùng và không có nghĩa là trói buộc nhau. Mẹ luôn ủng hộ con.”

Bạch Vân nhẹ nhàng trong tà áo dài tím, như hoàng hôn trải dài nỗi buồn. Lễ chiều cô quỳ gối, cứ thế lặng lẽ, trống không. Tâm cô đang đi tìm Phong Viễn. Tìm một con đường mà cô chưa thấy. “Lạy Chúa xin xót thương con!” 

Hình ảnh người cha oằn xuống vì con trong nhọc nhằn mưu sinh, để chắp cánh cho ước mơ cứ ám ảnh Bạch Vân. Cô thấy thật ích kỷ khi chỉ biết nghĩ đến tình cảm bản thân… Sự hy sinh của cô so với người cha ấy có thấm gì? Yêu một người đâu nhất thiết phải sở hữu. Chỉ cần người ấy bình an, hạnh phúc là đủ. 

Từ trong sâu thẳm có tiếng nói “Như thế có công bằng với cô không? Có nỗi đau nào bằng chia tay với người mình đang yêu.” 

Mùa hè cuối cùng. Phong Viễn mang ba lô về nhà, chỉ kịp chào ba mẹ một tiếng đã chạy như bay đến nhà Bạch Vân. 

– Nhỏ ơi! Anh về rồi. 

Bạch Vân mở cửa bước ra, nhìn thấy Phong Viễn nước mắt tủi thân lăn dài.

– Sao mà khóc? Nhõng nhẽo anh cốc đầu ấy! Bạch Vân gạt nước mắt mỉm cười.
– Thấy anh về vui quá nên khóc…

Hạnh phúc trên đời này luôn nằm ngoài tay với… Cái mình không được, luôn là điều tốt đẹp nhất lẫn cả khổ đau. Phong Viễn một mực tin tưởng vào hạnh phúc của mình.

Bạch Vân trân trọng từng phút giây bên cạnh Phong Viễn vì bản thân đã quyết định.

Hôm trước ngày chia tay, họ lại đi trên con đường cũ. Con đường nhớ bước chân quen

Phong Viễn siết nhẹ bàn tay Bạch Vân nói:

– Nhỏ nè! Anh chỉ còn thời gian thực tập là xong. Ra trường ổn định việc làm rồi, anh sẽ cưới em – Phong Viễn dừng lại, nhìn sâu vào mắt Bạch Vân – Làm vợ anh nhé? 

Bạch Vân tránh ánh mắt Phong Viễn. Cô choàng tay ôm tròn anh không nói. Trái tim cô đau từng vết cắt… 

Cỏ cây buồn cúi mặt! Gió ném vào đêm những uất ức của đời người. Sự hun hút của số phận hay chính con người chọn cho mình một hướng đi sai. Sự giằng xé bên trong tưởng chừng không chịu nổi.

Bạch Vân ra trường, xin việc ở bệnh viện huyện. Mỗi ngày cô đạp xe mười cây số đi làm. Nghĩ đến mẹ, cô không cho phép mình gục xuống. Đêm về cô ôn lại toàn bộ kiến thức đã học với kế hoạch học nâng cao. Cô cố tìm quên trong công việc… 

Nỗi nhớ… ôi nỗi nhớ/Trói ta trong vòng tay/Chiều nay chừng không thở/ Nhớ thật nhiều… Gió bay…! Có cơn gió nào mang được tâm tư gửi đến người thương! Cánh diều! Phải rồi, cánh Diều tuổi thơ, cánh Diều tuổi xuân, cánh Diều nào cho ta gởi hết ưu phiền một tình yêu không lối thoát. Một cánh Diều không nắm giữ sợi dây, trong xa xanh bát ngát, chỉ mình ta.

Bạch Vân lấy chồng. Mẹ nhìn xót xa khi thấy cô lẳng lặng gom hết những kỷ vật cho vào chiếc hộp. Từ nay khe suối cạn sẽ cất giữ mối tình đầu. Nó sẽ mãi của riêng cô, chỉ riêng cô mà thôi.

Chồng Bạch Vân hơn cô mười tuổi, là một doanh nhân, tiếp nối công việc làm ăn của gia đình. Anh là người định nghĩa hạnh phúc bằng tiền. Bạch Vân đã một lần yêu và bây giờ cô suy nghĩ đơn giản hơn “Chỉ cần sống tốt là được”.

Trước ngày cưới cô ngập ngừng trước cửa nhà Phong Viễn. Ba Phong Viễn trong nhà thoáng thấy bóng người vội bước ra:

– Con qua chơi.

Cô ngập ngừng không nói nên lời. 

– Dạ con qua đưa thiệp…

– Thiệp gì con? 

Từ hôm gặp Bạch Vân ở chợ huyện, thấy cô như tránh mặt, thật sự ông cảm thấy áy náy trong lòng với những gì đã nói. Ông nghĩ cuộc đời có lý riêng của nó! Ông không có quyền làm tổn thương một cô gái tốt  như Bạch Vân.

– Dạ. Con đưa thiệp cưới. 

Bạch Vân tránh ánh mắt với nhiều dấu hằn đang cố mở to nhìn mình. 

Tay ba Phong Viễn run run cầm tấm thiệp cưới mà không biết nên buồn hay vui. Chỉ cảm thấy ông đang nợ một ân tình!

– Bác đưa anh Phong Viễn dùm con. 

Nói rồi cô đi như chạy. Mặc cho ba Phong Viễn gọi với theo cũng không quay lại. Cô như sợ cơn gió ngược, thổi cô quay về với những yêu thương mà khó khăn lắm mới dứt ra được. “Phong Viễn anh phải hạnh phúc. Đừng để sự hy sinh của em trở thành vô nghĩa.” 

Cô biết từ nay cuộc sống không còn tròn nữa! Một nửa khuyết đó cứ nhói vào tim cô. 

Hạ quyết tâm! Cô hít sâu một hơi, lưng thẳng lên, bước tiếp về phía trước với bổn phận.

***

Phong Viễn cảm giác bất an. Thư gởi cho Bạch Vân một tháng rồi không thấy hồi âm. Lá thư gần đây nhất Bạch Vân viết cho anh với những lời lẽ rất khó hiểu. Anh còn một tuần nữa là hoàn tất chuyến thực tập. Có biết bao dự tính trong đầu muốn nói với Bạch Vân. Sự nôn nao đếm từng ngày.

Trên chuyến xe đò về quê, quãng đường như dài hơn. Xuống xe anh đi như chạy, gặp mọi người anh chào hỏi, anh bắt gặp những cái nhìn ái ngại, lãng tránh. Anh vào nhà như một cơn gió, nói lớn:

– Ba, mẹ con mới về. 

Ba ngồi đó lặng lẽ. Không thấy mẹ anh hỏi:

– Mẹ đâu rồi ba. Nhà có chuyện gì sao? 

Ba không trả lời, chỉ thở dài… 

Bây giờ anh mới định thần nhìn quanh, chợt thấy hai tấm thiệp cưới trên bàn, vội mở ra xem. Tay anh run rẩy, vịn thành ghế ngồi xuống đổ gục xuống.

– Ba, nói cho con biết đi, chuyện này không có thật phải không? 

Anh la lên đau đớn rồi phóng ra khỏi nhà. Anh chạy một mạch đến nhà Bạch Vân, không kìm được tiếng gào:

– Bạch Vân! Nói cho anh biết, sao lại có chuyện này? 

Hai vai anh rung lên rồi bật khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi đau đớn với ý nghĩ bị phụ bạc. Niềm tin sụp đổ. 

Anh bóp chặt bàn tay Bạch Vân và nghe cô nói trong nước mắt:

– Anh làm em đau. Em không thể chờ anh. Anh về đi.

– Tại sao? Có phải người đàn ông đó giàu hơn anh. Đúng không? Sao cô nỡ đối với tôi như thế này? Chỉ một thời gian nữa thôi! Không đợi được anh sao Bạch Vân? 

Bạch Vân đau như muối xát trong lòng. Cô nhớ anh, chỉ muốn ôm chầm lấy anh, gục khóc trong lòng anh cho trôi hết bao ấm ức. Nhưng cô cố quay lưng lại trả lời Phong Viễn:

– Anh về đi! Xin lỗi anh.

Phong Viễn đi qua cơn mưa chiều nặng hạt, không định hướng. Đôi chân đi về phía con suối cạn, mùa này nước đã có nguồn. Anh gục xuống khóc như một đứa trẻ. 

Người đàn ông cũng có lúc lịm đi với nỗi đau, cũng có lúc họ cần một sẻ chia, an ủi. Anh đang cần điều đó. 

Không biết anh ngồi như thế bao lâu. Cho đến khi chút ánh sáng cuối ngày trả về tối, anh thất thểu những bước vô hồn theo quán tính trở về nhà. Anh nhốt mình trong phòng mấy ngày mới ra ngoài.

– Con xin lỗi! 

Ba Phong Viễn vỗ vào vai anh.

– Không sao rồi con. 

Nhìn con gầy rạc đau lòng, ông tự nhủ: “Cố lên con! Mọi chuyện rồi cũng qua. Vì tương lai của con. Hãy để một mình ba với nỗi đau này…”

Cuộc đời không ai sống thay cho hạnh phúc người khác. Bạch Vân đã có một cậu con trai. Chồng cô là người gia trưởng, rất sĩ diện khi mọi việc đều định nghĩa bằng tiền!

Không nghĩ đến cảm nhận của cô. Chỉ muốn cô ở nhà lo cho chồng con. Lâu dần cô như chiếc bóng bên cạnh người đàn ông phải gọi là chồng. Những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng khiến cô mệt mỏi. Lúc như thế bước chân lại dẫn cô về bên con suối cạn.

Đã bao lần cô đứng nhìn hốc đá cất giữ những kỷ niệm nhưng không đủ can đảm mở ra. Cô muốn quên hết để sống ngày hiện tại, cho dù chỉ còn lại chiếc bóng chính mình.

Cho đến một ngày, bên cạnh mẹ trên giường bệnh, cô thấy ân hận vì bao năm qua mình sống không ra sống, đắm trong đau khổ mà quên đi người mẹ bên cạnh từng vui, buồn theo cô. “Mẹ ơi! Đừng làm con sợ, đừng bỏ con…”

– Sau này mẹ không bên cạnh con. Hãy hứa với mẹ phải sống hạnh phúc nhé!

– Dạ mẹ, con biết rồi! 

Mẹ cô không qua khỏi. Tiễn mẹ một đoạn qua cầu… lòng cô chết lặng. Từ nay cô chỉ còn lại con trai nhỏ.

Rồi Bạch Vân chia tay chồng. Cô trở về sống tại căn nhà cũ bên triền núi. Con trai nhỏ đã đi học. Cô kiếm việc làm và tiếp tục ước mơ học lên đại học. 

Gia đình Phong Viễn đã bán nhà dọn đi, không một lần quay lại. Anh như cánh Diều đứt dây bay mãi phía trời xa. Nhìn những cánh chim xoãi cánh cuối chiều, cô thì thầm “Phong Viễn anh có hạnh phúc không? Phải thật hạnh phúc anh nhé!”

Cuộc sống khó khăn với đồng lương ít ỏi, Bạch Vân đưa con đem theo hài cốt của mẹ bỏ xứ ra đi…

***

Phong Viễn lập gia đình có một cô con gái. Anh lấy vợ theo ý gia đình. Là một người chồng người cha mẫu mực. Anh không giấu nỗi đau của mình mà kể cho vợ nghe tất về cuộc tình quá khứ, mong được chia sẻ.

Ngược lại những gì Phong Viễn mong đợi. Vợ anh luôn dò xét, ghen tuông vô lối. Cuộc sống anh luôn có Bạch Vân xen vào giữa, vì suy nghĩ ích kỷ, nhỏ nhen của vợ…

Anh mệt mỏi với gia đình nên vùi đầu vào công việc. Căn nhà càng trở nên lạnh lẽo… Cảm giác cô đơn vây lấy anh, cuộc sống vợ chồng tuy gần nhau mà vẫn cách biệt. Nỗi cô đơn thêm cay nghiệt, buồn càng buồn thêm…

Ba anh, bệnh cũ tái phát. Những ngày mưa, nắng cực khổ đã lấy hết sức ông ấy. Mỗi ngày ông một yếu đi.

Một hôm ông nắm tay anh và nói:

– Ba có chuyện muốn nói với con. Chuyện của Bạch Vân! 

Giọng ông thật khẽ như không còn hơi, ông kể cho Phong Viễn tất cả… rồi bật khóc.

– Là tại ba, tại ba tất cả… 

Ông nấc lên trong nghẹn ngào. Từng cơn ho rũ rượi rút vào lòng ngực, kéo ông co người lại trong đau đớn.

– Nếu ba không nói, ba không yên lòng nhắm mắt.

Phong Viễn tưởng chừng đất dưới chân sụp xuống. Tất cả trở về như mới hôm qua… Anh đau đớn “Bạch Vân! Anh xin lỗi.”

Ba anh rơi vào hôn mê và qua đời trong đêm. 

Lo hậu sự cho ba xong, Phong Viễn trở về quê, mong được gặp Bạch Vân… Ngôi nhà cũ Bạch Vân để lại cho người em họ ở. Cô ra đi với một ít đồ đạc, tư trang và cây đàn ghi ta.

Vòng ra khe suối cạn, đến bên hốc đá trống không… Tất cả đã không còn. Anh gục xuống… “Bạch Vân em ở đâu…?”

***

Ông Viễn bồi hồi nhìn cánh diều trên tay. 

 “Bạch Vân! Anh tìm em đã hai mươi năm rồi! Em như cánh diều đứt dây bay về phía vô cùng. Anh bây giờ cũng một mình nhớ em. Tại sao em muốn anh phải thế này, thế kia mới hạnh phúc chứ! Chỉ có anh biết hạnh phúc mình ở đâu!

Em ở đâu đó trên thế gian này, hãy thật bình an và hạnh phúc nhé!!! Anh luôn cầu mong một ngày nào đó được gặp em như cánh diều vô tình trên tay anh.” 

Nắng vỡ ra trên đường ông đi tới. Ông vẫn chưa thôi tìm kiếm! 

Một cánh diều lạc mất từ xa xăm…

Lê Yên
Sài Gòn. 14/3/19