Lời tựa tác phẩm Tình Trong Ánh Mắt của tác giả Bác sĩ – nhà văn Lê Trọng Lộc

Lời tựa tác phẩm Tình Trong Ánh Mắt của tác giả Bác sĩ – nhà văn Lê Trọng Lộc

Lời tựa tác phẩm:

Tình Trong Ánh Mắt

Bác sĩ – Nhà văn
Lê Trọng Lộc

Bạn có bao giờ đi qua chợt khựng lại khi bắt gặp một ánh mắt. Nó ở lại trong bạn, khiến bạn suy nghĩ, trăn trở. Bạn không nợ ai vì những đau khổ của họ. Chỉ là bạn nợ cuộc đời này rất nhiều, khi mỗi ngày bạn hiện diện trong nó với tiếng cười, hạnh phúc lấp lánh trong mắt bạn. Bạn đã nhận rất nhiều. Từ tia nắng, giọt mưa, khí trời và hạnh phúc bạn đang có. Bạn ngang qua một con phố, dưới trời đêm giá rét. Một người vô gia cư với đôi mắt mệt mỏi cố làm trò để được bố thí. Hy vọng một vài người khách đưa tay ra để bụng khỏi cồn cào vì cơn đói. Phố vẫn thưa người. Bạn chợt xót xa… Rồi dừng lại…!

Thời gian dán những cột mốc lên tường ký ức. Ở đó chúng ta nhận ra mình với những thăng trầm cuộc sống. Mất mát, đau khổ. Những gì ta trải qua hoặc bắt gặp trên con đường đi tới. Tất cả như lớp trầm tích, ẩn mình dưới rong rêu thời cuộc. Thời gian như mắt xích nối những toa tàu nặng trĩu, chở đầy bi, ai, hoan lạc… Đến một ngày ta muốn hét lên. Muốn được giải thoát để tâm tư nhẹ hơn, nhường chỗ cho yêu thương. Những khao khát đong đầy trong ánh mắt… Của anh. Của chị. Của tôi. Và bao nhiêu con người ngoài kia đang đăng đẳng sự kiếm tìm. Kiếm tìm yêu thương và sẻ chia giữa cuộc đời phai màu vô cảm. Khao khát đó đau đáu trong lòng một người. Đó là bác sĩ Lê Trọng Lộc.

Tôi thực sự xúc động với tác phẩm: Tình Trong Ánh Mắt của anh. Chỉ với  tên tác phẩm đã nói lên tính nhân văn về cuộc sống.

Một bác sĩ mỗi ngày phải đối diện với bệnh nhân. Phải chịu trách nhiệm trước sự sống chết. Anh đã đối diện với từng ánh mắt lạc thần mà trước đó là sự khẩn khoản cầu cứu. Anh giành giật sự sống từ tay thần chết luôn lãng vãng đi tới, đi lui, chực sẵn trong bệnh viện. Một bác sĩ giỏi với đôi tay vàng và một tấm lòng nhân ái. Khi anh đã cởi bỏ đôi bao tay dính đầy máu và tuyên bố thua cuộc. Dù anh đã tận lực với bao kinh nghiệm, kiến thức và tài liệu. Để rồi anh nói tiếng xin lỗi. Lòng anh đau. Tim anh thổn thức trước sự mong manh của phận người. Chỉ trong tích tắc vàng, anh có thể giữ lại được một mạng người. Anh luôn vội. Để không kịp… Anh đứng chờ với tư thế sẵn sàng ở cửa phòng cấp cứu. Chuẩn bị một cuộc chiến với thần chết. Từng bước chính xác và cẩn trọng, như từng đường dao mổ trên bệnh nhân. Anh không muốn làm người đưa đò mà dòng sông chỉ có bóng đêm thăm thẳm về một cõi hư vô nào đó. Giọt nước mắt còn sót lại với tiếc nuối, cuối đôi mắt một thể xác không hồn ray rứt tâm tư… Thế rồi anh viết…! Anh viết một sáng, một chiều. Những điều dội lại từ cõi lòng khắc khoải… “Một ánh nắng ban mai rực sáng xuyên qua cửa sổ, chiếu thẳng xuống chiếc quan tài như đang đón nhận một thiên thần trở về chốn vĩnh cửu bình an. Ngọn lửa trong lò hỏa thiêu cháy bừng như đang đốt tan bao nỗi cô đơn của một tuổi đời nhỏ bé. Ba nó lặng nhìn, chốc chốc nấc lên từng nỗi nghẹn ngào ân hận.” (Trích: Tiếng chim hót sau vườn.)

Có những lúc cơ thể mệt rã rời sau ca trực. Cởi chiếc áo choàng trắng, muốn trở về nhà bên vợ hiền con ngoan. Thèm ăn một bát súp nóng. Muốn ngủ một giấc không chập chờn mộng mị. Nhưng chỉ cần lắng nghe, đâu đó có người đang cần bác sĩ. Lại không đành lòng… “Tôi bước vội ra khỏi văn phòng, chạy theo người bệnh nhân ở cuối hành lang đang chậm rãi đến thang máy.

– Ông ơi! Mặc dù tôi không phải là bác sĩ của ông nhưng nếu ông cho phép, tôi có thể khám cho ông hôm nay được không ạ?” (Trích: Chuyến xe định mệnh.)

Cuộc đời với nhiều bất ngờ. Được, thua, may, rủi như trò cút bắt!

Chúng tôi là những người bạn. Biết anh thuở còn là một thằng con trai tóc còn khét nắng, mặt mày đen nhẻm. Tôi với những bạn gái khác, tóc buộc đuôi gà vừa biết làm duyên. Cuộc chiến nào rồi cũng có hồi kết. Nhưng hồi kết đó làm cho chúng tôi như đàn chim nhỏ tan tác. Vùng quê nắng, gió cháy khét yêu thương. Chúng tôi nhặt nhạnh những kỷ niệm, hình ảnh bạn bè, gói kĩ, cất thật sâu… Tưởng rằng nó mờ nhạt với thời gian. Bốn mươi bốn năm. Cuộc đời cho chúng tôi một cơ hội. Như thượng đế thấu suốt và xót thương. Gặp lại anh! Chúng tôi còn ngỡ ngàng, lạ lẫm nhau. Nhưng khi từng lớp ký ức được lật qua cùng quê hương! Quê hương như dòng sông như suối Thương quê tôi. Như cơn gió hanh khô dưới cái nắng chang chang trên đường đi bộ đến trường. Chúng tôi vỡ òa cảm xúc… Mừng quá! Mừng đến rơi nước mắt. không cần biết bây giờ anh ấy đứng ở đâu giữa thế giới bao la rộng lớn này. Giữa chúng tôi vẫn gắn kết một tình bạn thật gần.

Vì chúng tôi vẫn có chỗ trong trái tim đầy yêu thương, đã lần về chốn cũ thăm lại bạn bè xưa ấy. “Tôi bay về bên ấy để tìm lại lối xưa đã thoáng mờ trong ký ức. Tôi ngơ ngác quay nhìn, cố tìm lại bóng dáng của những đứa bạn thân thương, cố nghe dư âm vang vọng của những tiếng cười hồn nhiên có lẽ đang còn vấn vương trên những cành lá ở sân trường. Nhưng tất cả đều im lìm, đìu hiu dưới trưa hè nắng cháy. Những ánh mắt hao gầy, đang bận bịu với cuộc sống vất vả hàng ngày, hững hờ không vướng bận. Dòng suối Thương cũng vô tình hơn năm nọ, có lẽ đã chứng kiến buổi chia ly nên muốn cuốn trôi tất cả đau buồn vào dĩ vãng. Tôi lặng lẽ đứng nhìn, rồi quay lưng rảo bước, rưng rưng với một nỗi buồn bất tận. Tuổi thơ lại được đóng kín trong đáy mộ tâm hồn…”(Trích: lối Xưa.) Rồi mấy chục năm sau loạng quạng tìm chiếc kính trên bàn, để đọc những bài viết, những lời nhắn tin… Tôi ngưng lại trong khoảnh khắc… Con chữ như cùng tôi rưng rưng. Cảm giác nghèn nghẹn muốn khóc. Tôi có một người bạn trọng ân tình, lợi danh như gió thoảng…!

Những bức hình chụp chung được gởi về. “Bạn có nhận ra Lộc không? Làm sao không nhận ra bạn mình với nụ cười tỏa nắng chứ! Hi…” Tôi bất ngờ khi gặp lại anh. Chỉ một điều bất ngờ lớn hơn, Anh còn nhớ chúng tôi. Những người bạn quê. Chỉ có một trái tim biết yêu thương mới nuôi dưỡng yêu thương!

Anh có một gia đình hạnh phúc. Người vợ xinh đẹp, hiền thục và những đứa con ngoan. Người đàn ông của gia đình này như chàng lãng tử. Ngoài viết văn, anh còn làm thơ, những áng thơ mượt mà tha thiết. Công việc đầy áp lực của một bác sĩ không làm khô héo cảm xúc, niềm đam mê được viết. Anh viết lên nỗi buồn, niềm vui, những nỗi đau tưởng chừng của ai đó khiến anh trăn trở.

“Những ngày xưa ấy nhớ không em
Khi ánh bình minh trải mái thềm
Em cười ngắm cảnh hoa xuân nỡ
Anh ngẫn mắt nhìn mây trắng lên

Nhớ bước đường yêu mãi đợi chờ
Sân trường hoa cỏ mộng đơn sơ
Ngắm ánh nắng vàng trên mái tóc
Mơ ước âm thầm dệt nên thơ

Hương yêu thương tỏa lắm ngọt ngào
Hoa tình nỡ thắm mộng chiêm bao
Thoảng trong hơi ấm tình chăn gối
Thức tỉnh giấc mơ buổi ban đầu

Duyên mình hẹn ước thủa xa xăm
Vẫn mãi tình xưa vẫn mặn nồng
Vẫn thoáng hương tình trong nắng ấm
Mộng tình say đắm đến trăm năm.”
(Mộng Tình. Đây là bài thơ ngọt ngào anh dành tặng cho vợ yêu quý.)

Trăm năm… Mãi mãi… Mãi mãi… Những tưởng không còn điều gì đẹp hơn tình yêu trong lòng anh. Tình yêu đó không chỉ dừng lại ở người thân mà lan tỏa ra nơi trái tim anh hướng về. Bạn bè của anh. Bệnh nhân của anh… Nơi những ánh mắt mà anh chạm phải… Muốn được cho đi điều người khác khao khát.

Hạnh phúc gia đình anh như một đóa hoa có đủ hương sắc tròn đầy. Sự lấp lánh đó sáng lên trên những mảng tối phận người. Tôi chợt bùi ngùi với nước mắt… Nước mắt không chỉ được vắt ra từ những đau khổ mà hạnh phúc cũng làm ta nao lòng. Trên cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp…!

Một bác sĩ. Anh viết như rong chơi giữa vô thường. Đó là mảnh vườn tâm hồn anh gieo trồng yêu thương, mong được đâm chồi vươn nhánh ra xa. Trong mỗi câu chuyện của anh đều là các sự việc có thật, những tháng ngày đã qua anh bắt gặp và sẻ chia. Nhẹ nhàng, trong nắng sớm mùa Thu. Một chút bâng khuâng, mang mang buồn, chút tiếc nuối, thương cảm đến rơi nước mắt… khi theo anh trên từng cung bậc cảm xúc của Tình Trong Ánh Mắt.

Cám ơn anh – Bác sĩ Lê Trọng Lộc. Tôi thích gọi anh là nhà văn, để còn được thưởng thức những tác phẩm hay sắp tới.

Bạn và tôi hãy cùng theo anh từ con chữ đầu tiên với Tình Trong Ánh Mắt bạn nhé!!!

Lê Yên
Sài Gòn. 2/9/2019

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Tống Thu Ngân

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Tống Thu Ngân

Cảm nhận thơ:

Nhà thơ
Tống Thu Ngân

Dòng Sông Trăng

Ánh sáng đó trải dài như một dòng sông. Bàng bạc, dịu dàng, đắm say, cứ thế từ nơi cao nhất cho đến lá cây, ngọn cỏ, ánh sáng như thầm thì, nâng niu từng chút cảm xúc để rồi nhẹ nhàng len lỏi vào tâm tư… Cảm giác chậm lại để giữ lấy sự thăng hoa chạm vào ánh trăng vàng không thể thiếu nơi nhân gian.

Tôi mở rộng cửa bước ra bên ngoài! Trời đêm se lạnh với trăng Thu. Trăng miên man và cứ thế bất tận. Tôi liên tưởng đến dòng thơ nữ sĩ Tống Thu Ngân. Như một dòng sông trăng trôi trên vạn vật. Yêu thương! Yêu thương không mỏi mệt, từng chút cung bậc cảm xúc con người cho đến thiên nhiên đong đầy trong trái tim Mimosa Tím. Thời gian cho nhà thơ trải nghiệm cuộc trần ai. Tất cả đã gieo mầm trong một tâm hồn đẹp, nhạy cảm. Đến một ngày con chữ chắp cánh thoát thai hóa thơ bay lượn… Trong tâm tưởng tôi, đôi cánh mỏng thiên thần mang cảm xúc đến, và bắt gặp mình đâu đó trong giọt nắng, giọt mưa, niềm vui hay nỗi buồn khát khao tốt đẹp trong dòng thơ lấp lánh bạc.

Tôi viết bài này trong ngày tháng bảy. Khoảng thời gian người con luôn nao lòng nhớ về mẹ. Cảm xúc đó như vỡ bờ khi bắt gặp những vần thơ Tống Thu Ngân đã viết:

“Mẹ đã đưa các con đi khắp nẻo đường đời
Đưa các con đến những chân trời ước mơ
Các con đã bay xa, bay cao và có bao giờ nghĩ lại
Ở cuối con đường một mình mẹ đứng chênh vênh…”
(Con Đường Của Mẹ)

Những gì mẹ đã làm cho con, ưu tư trong lòng mẹ. Mẹ ơi! Lòng con nặng trĩu,  Con yêu mẹ.

Chỗ của mẹ luôn là cao nhất trong trái tim con. Không có sự biết ơn nào vừa với yêu thương và hy sinh mẹ đã cho. Không có một thứ tình nào sánh bằng tình mẹ. 

Con đã nhìn thấu, mẹ ơi! Con đường đó mẹ đã trải qua để có con ngày hôm nay và rồi sớt chia với con đắng cay cuộc đời những lúc con yếu đuối, đau khổ nhất. Chỉ cần có mẹ ở bên, lòng con nhẹ nhõm đi nhiều.

“Đã tự bao giờ vắng những bữa cơm
Có cha mẹ và các con đông đủ
Đã tự bao giờ nếp nhà xưa cũ
Đã phai lần trong cơn lũ văn minh…

Bữa cơm nghèo ngày xưa còn có được
Mẹ bới cơm, cha đưa chén đợi chờ
Bữa cơm nghèo đầy đủ con thơ
Ông bà cùng ngồi mâm rộn rã…
(Bữa Cơm Gia Đình)

Đọc những khổ thơ trên của tác giả sao giống hình ảnh bữa cơm ngày xưa từ gia đình tôi. Và tôi tin chắc rằng, nếu quay ngược thời gian về thời điểm đó những bữa cơm gia đình đều quay quần, đầy tràn yêu thương được sự chăm sóc từ các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Cuộc sống càng văn minh “Bữa Cơm Gia Đình” trở nên như thứ xa xỉ… Chạy theo văn minh và cảm giác yêu thích vật chất, khiến ta mất nhiều thời gian với ngoại vật! Đời người được mấy trăm năm mà thả trôi trong phung phí đam mê, quên mất những người thân yêu bên cạnh, biết đâu ngày mai ta không còn cơ hội… “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” (Nguyễn Du) 

“Hái vội nhánh buồn quẳng ra sông
Cho dòng nước ngược chảy vào lòng
Thế gian rộng quá mà sao hẹp
Nên để nỗi buồn chảy vào trong…
(Hái Vội Nhánh Buồn)

Hay quá! Tôi không khỏi buột miệng thốt lên như thế. Dòng thơ “Ngụ Ngôn Tình” của Tống Thu Ngân rất riêng, không lẫn với ai được, cũng không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác giả hay dòng thơ nào. Mimosa Tím đã đưa cảm xúc hòa vào con đò, dòng sông, trái bầu, trái bí… Chuyển tải mọi cung bậc trong nội tâm con người để nhìn rõ hơn khi mình đứng ở góc độ khách quan nhìn lại. (Hái vội nhánh buồn quẳng ra sông/ Cho dòng nước ngược chảy vào lòng/ Thế gian rộng quá mà sao hẹp/ Nên để nỗi buồn chảy vào trong…) Cô đơn và thật nao lòng…! Tìm đâu tri âm, tri kỷ. Con người cảm thấy cuộc sống trở nên tẻ nhạt, vô vị khi chiều hướng hưởng thụ thực dụng lớn dần, họ củng cố địa vị và cái tôi, hầu được tôn vinh. Ganh đua là điều tất yếu. Niềm tin vào con người cũng giảm đi, phòng thủ trong thế giới riêng mình giữa một thế gian rộng đầy biến động… Cho dù nỗi buồn có chảy vào trong, tác giả đã chuyển hóa nỗi cô đơn, tìm thấy hóa thân của mình qua dòng “Ngụ Ngôn Tình” được độc giả yêu thích đón nhận.

Tại sao ta phải yêu người, yêu đời, yêu thiên nhiên vạn vật và phải biết yêu thương bản thân? Mỗi ngày biết tặng cho mình cho người những nụ cười yêu thương, là quà tặng nên không cần phải đắn đo suy nghĩ, bởi con người không có tình yêu như ngày thiếu nắng…

“Không thể nào ở mãi trong bóng đêm
Con sẽ bước ra ánh sáng mặt trời
Với nụ cười tỏa nắng
Với tình yêu nhân loại lên ngôi…”
(Rồi con sẽ bước ra ánh sáng)

Tôi cứ mải mê đọc và muốn viết, muốn cảm theo cách riêng mình. Nhưng chắc một điều tôi phải nhường sự hấp dẫn, lôi cuốn này cho bạn đọc tự trải nghiệm để cho ra kết luận. Nữ sĩ Tống Thu Ngân luôn tặng độc giả một cái nhìn mới, lạc quan, tích cực qua dòng thơ tăng trưởng không mệt mỏi, giàu chất liệu cuộc sống.

Mỗi người đến trong cuộc đời có một sứ mệnh và giá trị. Nữ sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím) không muốn lựa chọn một tên tuổi, nhưng tự thân nó đã hiện hữu, tồn tại và khẳng định… Tất cả cứ nhẹ nhàng như một dòng sông chảy theo mạch nguồn từ đất mẹ thiên nhiên. Mạch cảm xúc của nhà thơ thật phong phú trong tất cả mảng đề tài với chất liệu sống không bao giờ cạn. Thơ với Mimosa Tím như hơi thở, khí trời, là món quà thượng đế ban tặng… Như trái tim mách bảo “Hãy thổi hồn vào thiên nhiên vạn vật…” Nhờ đó chiếc lá xanh hơn, tia nắng ấm áp hơn và giọt mưa biết cuốn trôi rửa sạch nỗi buồn.

Cô sinh viên ban C với những vần thơ mộc mạc, giản dị, cho đến khi đứng trên bục giảng đường với chuyên môn giảng dạy, niềm đam mê văn chương trong lòng vẫn tha thiết. Sự rõ ràng, khoa học không làm cho dòng thơ khô khan cứng nhắc, chỉ thêm phần chặt chẽ, logic khi bước vào không gian con chữ. Đó là ưu điểm nổi bật trong dòng thơ nữ sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím).

Thượng đế đã gieo một hạt giống trong trái tim nhỏ ngày chị đến nhân gian, và hạt giống đó đã sinh sôi nảy nở giữa hạnh phúc lẫn đau khổ cuộc đời. Hạnh phúc và đau khổ luôn là một cặp chẳng tách rời. Con người cảm nhận được đau khổ mới thấu đạt ý niệm thế nào là hạnh phúc.

Mỗi thi phẩm đều xuất phát từ sự thật, trải nghiệm, thơ Mimosa Tím giàu hình ảnh, tính nhạc, dễ gần với mọi tầng lớp độc giả. Mỗi một bài là một thông điệp cuộc sống, muốn đánh thức bản thân, trong sâu xa muốn thức tỉnh nhân loại… Khi đặt bút xuống, dù đề tài nào vẫn là kim chỉ nam cho yêu thương, tích cực lạc quan, và độc giả có thể nhận ra điều đó ở khổ thơ cuối. Tống Thu Ngân không thả trôi sướt mướt hay chán nản uất hận, vì nhà thơ ý thức được tầm ảnh hưởng, ít, nhiều, đến độc giả, để dẫn người đọc đến sự truyền tải năng lượng tốt đẹp!

Một lần tôi được trao đổi cùng nữ sĩ Tống Thu Ngân. Mimosa Tím đã nói lên những đam mê, khao khát của mình, muốn đưa văn học Việt Nam hòa nhập cùng thế giới, muốn gìn giữ văn hóa Việt với tất cả yêu thương và trân trọng.

Mimosa Tím đăng thơ trên các trang mạng từ 2014 và bắt đầu viết chuyên nghiệp từ 2017 cho đến nay. Với một nguồn năng lượng không cạn nhà thơ đã chạm mốc 1500 thi phẩm. 150 bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Đã xuất bản 6 đầu sách. Sắp tới chị dự định ra thêm đầu sách thứ 7. Phải chăng trong chị là mạch nguồn một dòng sông luôn đắp bồi phù sa đôi bờ và cứ thế miệt mài cống hiến không ngừng nghỉ. Tâm an định giữa dòng đời vạn biến/ Hiến cho người trái ngọt đến muôn niên.

Tham gia hầu hết các nhóm thơ trong và ngoài nước, gần đây nữ sĩ Tống Thu Ngân sáng tác nhiều thi phẩm bằng tiếng Anh, được nghệ sĩ văn học các nước đăng lên trang nhà. Đó cũng là niềm vinh dự cho chị, một nhà thơ gốc Việt được hòa nhập, tạo niềm tự hào cho văn học Việt Nam.

Nhắm mắt lại thả trôi cảm xúc… Không biết tôi có giống bạn không? Hãy đến và khám phá dòng thơ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím), biết đâu bạn sẽ tìm thấy con sông cảm xúc từ chính mình thăng hoa qua từng thi phẩm thơ nhạc thật nhẹ nhàng, bàng bạc lẫn vào mênh mông. Tôi nhìn thấy ánh sáng đó bất tận… Cứ thế mênh mông…!

Cám ơn Nữ Sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím) với sự cống hiến, góp phần nâng tầm và gìn giữ văn học Việt Nam trong muôn phần trân trọng!

Lê Yên
Sài Gòn. 10/9/2020

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Song Linh

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Song Linh

Cảm nhận thơ:

Nhà thơ Song Linh

Biển sóng

Ai cũng đã từng đứng trước biển. Cảm giác mình thật nhỏ bé. Biển mênh mông, biển sâu thẳm. Biển đầy bí ẩn với những cơn sóng vỗ bờ. Âm thanh êm êm như ru và có lúc cuộn tràn cơn thét gào. Ta như con ốc nhỏ dạo chơi bờ cát, cưỡi trên sóng và phiêu lưu cùng gió với một khát thèm yêu thương. Một khao khát cháy bỏng lấp đầy khoảng trống cô đơn. 

Có một người cũng nhỏ bé trước biển. Nhưng tâm tư ông mênh mông như một đại dương. Hành trình qua từng bước dài, cuộc đời ghi nhớ tên ông. Những con sóng lao xao quất quýt đôi bàn chân cười dưới nắng mai. Rồi sóng lớn giận dữ, vô cảm trước những thất bại, nghịch cảnh. Đã nhấn chìm tất cả. 

Lắng xuống biển sâu bởi nhiều tâm trạng. Để rồi lúc bất chợt, nó trở về qua những vần thơ. Điều đặc biệt ở đây là: dù cho cuộc đời đã nhuộm ông với bao nhiêu gam màu, ông vẫn giữ được một trái tim ấm, một trái tim luôn hướng đến tình yêu, một trái tim nhạy cảm với con người, cuộc đời, tha thiết khát tìm, được trải lòng với những điều mà nội tâm muốn nói. Đó là nhà thơ Song Linh của chúng ta. 

Ông đã thốt lên:

“Đời của ta biết bao lần gió bão
Chợt yên bình đôi mắt đẹp ngây thơ
Nghe thánh thiện như lời ru của mẹ
Đưa ta vào cõi mộng thuở ban sơ

Đêm mênh mông biển trời xanh xứ lạ
Đêm ngọt ngào… Đêm sóng vỗ xôn xao
Ta hỏi nhỏ tình trăm năm có phải
Là thời gian từng phút của chiêm bao…”
(Hỏi tình trăm năm)

Trong tâm người đàn ông bị gió bão dập vùi đó, không chai sần một cách vô cảm. Mảnh đất hồn hoang thiếu nắng vẫn chờ cơ hội để hồi sinh. Tình yêu là điều nhiệm mầu cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa và giúp ta vượt qua tất cả buồn đau cuộc đời. Tác giả muốn nói với bạn và tôi “Hãy cứ yêu đi!” Vì tình yêu làm sống lại một tâm hồn chết đi bởi thương tổn. Rồi hồn nhiên đâm chồi nở hoa. Đó là điều kỳ diệu của tình yêu.

Một Song Linh đứng thẳng với những rung cảm: “Đời của ta biết bao lần gió bão/ Chợt yên bình đôi mắt đẹp ngây thơ/ Nghe thánh thiện như lời ru của mẹ/Đưa ta vào cõi mộng thuở ban sơ”. Tình yêu thật tuyệt phải không bạn? Nhà thơ Song Linh mượt mà với thơ tình. Đi suốt miền cảm xúc, qua nhiều cung bậc thăng, trầm của cuộc sống. Để rồi thoát thai gởi hồn vào thơ.

Thi sĩ Xuân Diệu đã nói như thế này: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Còn nhà thơ Song Linh yêu và trăn trở “Ta hỏi nhỏ tình trăm năm có phải/Là thời gian từng phút của chiêm bao”. Tình yêu vốn có trong tâm hồn. Nóng chảy hay lặng yên. Vẫn còn đó trăm năm. Cho dù là thoảng qua như cơn mộng vẫn không hối tiếc vì ta đã nếm trải mùi vị của tình yêu. Không uổng một lần bước đến nhân gian!

Yêu thương là bản năng tự nhiên của con người. Không chỉ có hạnh phúc. Cảm giác đau khổ khi yêu thương không trọn thật không dễ dàng để vượt qua. Phải chi ta yêu một giọt sương trong sáng sớm, yêu một dòng sông, yêu một chiều nắng đẹp cuối ngày.

Yêu một con người cơ nhỡ. Cảm xúc đó nhẹ nhàng qua. Đằng này ta yêu một con người! Một người lạ đánh động cảm xúc bên trong. Để rồi trở nên quen. Không thể thiếu. Mỗi sáng, mỗi chiều nỗi nhớ xót buốt tâm tư. Thi hào Nguyễn Du đã nói: “Đã mang lấy một chữ tình/Khư khư mình buộc lấy mình vào trong/Vậy nên những chốn thong dong/Ở không yên ổn ngồi không vững vàng/Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Người đời thường gán cho tình yêu hai chữ “Mù quáng” khi cảm xúc yêu òa vỡ. Con người chỉ biết lao tới với những thôi thúc khó kìm hãm được. Nhưng mấy ai được như ý! Nhà thơ Song Linh đã trải qua tâm trạng đó thật đau lòng.

“Sao em khóc mỗi lần ta gặp gỡ
Chiếc hôn chờ sao bỏ trốn đêm qua
Đêm ấm ức hồn cũng buồn da diết
Trên đỉnh trời một chiếc lá bay xa
Ta nhớ hoài buổi tối vấn vương nhau
Quán về khuya đôi mắt uống tinh cầu
Em chẳng nói cứ nhìn ta tha thiết
Ta vội vàng vuốt mặt giấu niềm đau
Em ra về trời cũng buồn rưng rức
Ta thẫn thờ quay quắt đếm niềm đau
Tình của ta em có còn nghĩ tới
Hay sóng về nghiệt ngã vỡ chia nhau.”
(Nụ hôn bỏ trốn)

Tình yêu cũng như sự sống. Phải được quan tâm nuôi dưỡng đúng cách. Nếu không có điểm tựa, không có sự gắn kết dựa trên nền tảng của lòng tin, biết bao dung, cởi mở, lắng nghe và thấu hiểu thì sớm chốc sẽ tàn phai. Một bình an, vững chãi giữa gia đình, xã hội, kinh tế và các mối quan hệ cộng hưởng khác. Biết dành thời gian và chăm sóc các vấn đề cũng như những mối quan hệ cần thiết. Đó cũng là chăm sóc tình yêu.

Tình yêu mong manh dễ vỡ. Tính mong manh dễ vỡ đó khi chưa thực sự được đón nhận. Nếu ta biết mở giới hạn của cái tôi để đón nhận một người. Biết mở rộng trái tim mình để yêu thương. Không còn giới hạn bởi tiền tài, danh vọng và sắc đẹp. Khi còn vướng mắc trong cái hẹp hòi, chật chội của phù vân mà muốn có một tình yêu đích thực. Rõ ràng đó chỉ là tham vọng. Sự ngộ nhận trong tình yêu dễ đi đến tan vỡ. Vì khi ta còn yêu bản thân mình quá nhiều thì còn đâu để yêu người. Hoặc giả có yêu người thì chỉ để thỏa mãn nhu cầu phục vụ bản thân mà thôi. 

Nhà thơ Song Linh viết như thế này:

“Tháng Chạp tôi đi vá cuộc đời
Gặp em ấm lại cõi lòng tôi
Tháng Giêng em gói hồn tôi lại
Tháng Bảy mưa về em bỏ tôi.”
(Không đề 5)

Tình yêu như viên ngọc quý mà tác giả nâng niu từng chút. “Gặp em ấm lại cõi lòng tôi” Chỉ một chút thôi! Như là đốm lửa giữa đêm Đông. Thôi thì trân quý những gì trong tầm tay. Tác giả còn biết khát khao yêu và được yêu. Một con người biết rung cảm. Biết cho đi và biết đón nhận.

“Ôi yêu quá! Cuộn len mềm xanh mượt
Em đan cho ta chiếc áo tình yêu
Đan đi em sương khói nắng Xuân chiều
Đêm dần xuống ấm nồng hương da ngọc

Đan đi em cho đời thôi nước mắt
Khắp phố làng tươi thắm những làn môi
Đan đi em bốn mùa hoa rực rỡ
Đẹp thêm lòng say đắm cõi trời côi…

Cám ơn em… nửa đời ta sùng bái
Gió lạnh về ta mặc áo tình yêu.”
(Đan áo tình yêu)

Một khát khao rất đẹp! Khát khao đó mạnh mẽ như những tia nắng mặt trời trên biển. Bình minh trên biển thật tuyệt vời nhưng hoàng hôn cũng đẹp không kém. Gom cho hết cái nắng của ngày, ôm vào trong khoảng thời gian thong dong của chiều. Thế là gói ghém, là yêu chiều. Tất cả dội ngược lại một thứ ánh sáng âm trầm, ma mị. Trải dài trên biển, lướt qua từng con sóng dìu dặt và trong đó. Ta con ốc nhỏ ngẩn ngơ ngắm nhìn. Chiêm nghiệm.

Nhà thơ Song Linh Thật sự thành công trên diễn đàn thi ca. Từ trong nước cho đến hải ngoại. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm và nhiều tuyển tập thơ in chung với nhiều tác giả rất thành công.

Sự điêu luyện và kỹ thuật viết được nhiều nhà phê bình văn học khen ngợi. Tôi nhớ một câu nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du). Tôi mạn phép ghi nhận sự hiểu biết giới hạn của mình qua cảm nhận những thông điệp, những tâm tình mà tác giả gởi gắm vào thơ.

Theo cách của tôi, nhà thơ Song Linh với một nội lực dồi dào trên suốt chiều dài sáng tác. Có những buồn đau ta ko biết gọi tên, không thoát ra được. Qua thơ ông, ta như được trải lòng. Điều đó thật đáng trân trọng.

Cám ơn nhà thơ Song Linh. Với nhiều tác phẩm giá trị đã để lại cho đời. Những vần thơ tuyệt tác.

Hãy tìm đọc thơ tình Song Linh bạn nhé! Bạn sẽ có cơ hội chiêm nghiệm tinh yêu. Tình đời với những cảm xúc rất thật được chấp cánh qua thi từ!

Một lần nữa xin cám ơn nhà thơ Song Linh rất nhiều.

Sài Gòn. 23/5/19

Cảm nhận thơ: Tác giả Hoàng Chẩm

Cảm nhận thơ: Tác giả Hoàng Chẩm

Cảm nhận thơ:

  Tác giả
Hoàng Chẫm

Có những lúc đầu óc trống rỗng, con chữ chơi trò trốn tìm, trống không một khoảng mênh mông. Nhắm mắt lại thì thầm “Ừ, ta nghỉ chơi đây.” Lãng đãng như một dòng sông lười chia cắt đôi bờ thương nhớ, trong đầu tôi thấy nước! Là sông! Không phải sông nước ngọt ngào miền Tây Nam Bộ.

Con nước đục ngầu, cuồn cuộn mùa bão lũ miền Trung! Cơn gió Lào thổi thốc, hanh khô rám da người. Cổ họng nóng ran cơn khát, chợt thèm một suối nước trong. Bẻ đôi cục đất nứt nẻ trưa hè, giữa ruộng lúa bao la.

Có một người đã đem suối thơ như thế tưới lên sự rát bỏng, khắc nghiệt làm mềm nắng cháy. Thế giới thơ của ông có đủ yêu thương, có đủ Xuân, Hạ, Thu, Đông và chắc một điều không thiếu chiếc lá vàng với những giọt mưa. Đó là nhà thơ Hoàng Chẫm.

 Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều dấu tích lịch sử. Quảng Trị,  cái eo miền Trung khắc nghiệt, như sự nén lại để đến thời điểm bung nở đóa hoa tuyệt vời. Thơ với ông như là hơi thở làm tôi chợt nhớ lời một bài hát “Quê hương anh là Quảng trị/Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn/ Thủa xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng/ Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung“.

 Chàng trai Hoàng Chẫm không ở bên dòng sông Thạch Hãn! Con đường từ nhà anh đến trường Nguyễn Hoàng xa hơn, đủ để cho những vần thơ vụng dại đầu đời ươm mầm dưới cơn mưa dầm, the thắt vào tháng ngày đông, hay những buổi tan trường nhạt nắng mà tưởng chừng Thu hiu hắt lỡ làm rơi lá vàng vương tà áo trắng. Tất cả, tất cả, với thời gian đã chín muồi làm nên một Hoàng Chẫm hôm nay.

“Về thôi em nghe quê nhà rót mật
Một ngày yêu nghe hương lúa trải mùa
Tay nhặt nắng cho lòng em trẩy hội
Neo đậu lòng quê quên những thiệt hơn…”

Gói ghém cho đủ yêu thương trên bước phong trần để rồi “Về thôi em nghe quê nhà rót mật” Ông chợt nhận ra mùi mạ non giữa đồng bát ngát trong ký ức luôn níu bước chân. Chỉ có quê hương và người con gái với tình yêu chân chất đi cùng ông qua năm tháng mới nghe được hương lúa trải mùa để rồi “Tay nhặt nắng cho lòng em trẩy hội” Sự xôn xao từ trong tâm, trống kèn từ bên trong và hạnh phúc hữu tại mỗi người.

Với loại thơ tám chữ mượt mà, không chỉ giàu cảm xúc nhưng còn thể hiện rõ bản ngã của mình giữa sân si cuộc đời, để rồi chọn lựa “Neo đậu lòng quê quên những thiệt hơn…” Và ông đã vỗ về người phụ nữ của mình như sau: 

“Về thôi em đếm bao ngày viễn xứ
Tình chưa phai khi bước dạo trùng khơi
Dẫu lầm lỗi lòng bung lên niềm nhớ
Tóc có phai mắc cạn một đầy vơi”

Phải chăng khi luôn tiến về phía trước với những bộn bề lo toan, được, mất trong cuộc đời, tâm ta luôn bị giằng xé bởi lực ngược chiều khiến mất phương hướng, bị cô đơn chiếm hữu. Cô đơn và sự trống trải giống như những bước chân lạc trong đêm tối không tìm được lối ra. Hoàng Chẫm đã thốt lên:

“Tôi tìm tôi giữa phù vân
Chốn đời lạc bước xa gần chiêm bao
Kiếp nào tình đã hư hao
Tôi đi tìm lại thủa nào yêu em “
(Không đề)

Tôi chợt nhớ những câu thơ Hàn Mặc Tử thốt lên hỏi kiếp nhân sinh:

“Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”
(Những giọt lệ)

Có phải các thi nhân với nỗi đau nhân đôi không? Sự tinh tế nhạy cảm trong tâm khiến họ như sờ nắn được những cảm xúc vô hình có sức mạnh thần chết. Hoàng Chẫm của chúng ta cũng không ngoại lệ. Ông đã thốt lên “Tôi đi tìm tôi giữa phù vân” hay “Chỉ là một cõi phù vân/ Sao ta lạc mãi chốn mê này“.

Thơ không ngừng chảy trong huyết quản ông, trăn trở với tình yêu đôi lứa. Tình yêu là lửa, là ánh sáng mà con người không thể thiếu như vạn vật thiếu ánh mặt trời. Có tình yêu, con người sẽ sống tốt, hoàn thiện hơn vì ai cũng muốn điều tốt đẹp cho những yêu thương của mình. “Thương nhau chín bỏ làm mười”.

Câu thành ngữ muốn nói đến sự độ lượng, bao dung muốn những điều tốt đẹp cho người khác không tính thiệt hơn. Đó là cách cư xử của những tâm hồn hơn người. Một sự khao khát hướng thượng. Với cách dùng từ rất lạ, ý thơ như vơi như đầy nhưng không thiếu mất một tấm lòng.

“Em như dấu tích xa xôi
Gieo lời tri kỷ bồi hồi… dạ thưa
Lấp đầy vụng dại ngày xưa
Tình như buổi chợ tan vừa nghe đau
Em như nắng đã ngả màu
Rụng đầy tóc gió úa nhàu đôi vai
Muộn màng một dấu hồng phai
Dấu thương còn lại trong ngoài mênh mông
Đôi bờ em níu dòng sông
Ngày đi thả mộng vừa nồng giấc mơ
Chút xưa bay ngược ban sơ
Trải lòng ban tặng để chờ có nhau”
(Chút lòng còn lại)

Tôi ngưng lại giữa chừng khi viết về Hoàng Chẫm. Chợt ngẩn ngơ khi đọc những câu thơ:

“Người đàn bà đã cũ
Giấu nỗi buồn trong đôi mắt
Nhớ kiếp người một bước trân chuyên
Sao phải lỡ Xuân thì
Sao nuốt niềm bi phẫn
Cuộc tình không hẹn mùa yêu
Đàn bà cũ gói nỗi buồn thế kỉ
Thầm nhớ đêm trần trụi một thuyền quyên…”
(Em đã cũ)

Lặng đi trong phút chốc. Người ta ví đàn bà là hoa hồng. Hoa hồng ở một thời xuân sắc hay là hoa hồng khi đi qua cuộc đời rướm máu, để rồi những giọt máu đó kết tinh thành những cánh hoa mang màu máu có bóng dáng hoa hồng. Những câu thơ chạm vào góc khuất người đàn bà muốn được quên, khi nước mắt chảy ngược vào trong! Người đàn bà cũ đi qua cuộc đời lặng lẽ như đêm ba mươi, cũng là đêm! một đêm dài. Thôi ta hãy để đó cho người đàn bà cũ chút mặc niệm tiếng yêu xưa, rồi sẽ qua, sẽ qua thôi!

“Ta xin…
Chạm với vô thường
Khoanh tay trầm mặc
Đo lường nhân sinh…”
(Chạm với hư vô…)

Hoàng Chẩm đưa tay với vô thường để đo lường nhân sinh. Tác giả ngộ ra cái tạm bợ từ kiếp người. Trải một đời qua bao thay đổi thời cuộc, những sân si của con người, ông đứng bên đời khoanh tay trầm mặc, vui với thiên nhiên cây cỏ.

Nhà thơ Hoàng Chẩm với lối viết trữ tình nhuần nhuyễn các thể loại thơ lục bát, thơ tám chữ và thể thơ tự do. Ông sinh ra để viết lên những tinh túy cuộc đời. Nhiều tác phẩm của ông được phổ nhạc và diễn ngâm, được in chung với nhiều tác giả tên tuổi khác. 

Tác giả đã tham gia viết cho các tạp chí ở trong nước như: Tạp chí Cửa Việt, Văn Nghệ An Nhơn, website Đất Đứng Hương Quê, Nhà Tương Tri Lục Bát. Com. Trang giới thiệu trên Diễn đàn văn chương và cuộc sống và các đặc san kỷ niệm trường cũ. Nếu bạn yêu thơ Hoàng Chẫm hãy lên google gõ “Trang thơ Hoàng Chẫm” bạn sẽ chạm được tinh túy trong  thơ của tác giả.

Với tâm thái một người yêu thơ, những cảm xúc hạn chế của tôi không nói hết sự phong phú trong thơ Hoàng Chẫm, cũng xin được mạn phép giới thiệu với các bạn trang thơ Hoàng Chẫm. Cám ơn tác giả đã góp cho đời những tác phẩm hay lưu cho hậu thế.

Một lần nữa xin cám ơn nhà thơ Hoàng Chẫm.

Lê Yên.
27/3/19. Sài Gòn.

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Nguyễn Thành

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Nguyễn Thành

Cảm nhận thơ:

Nhà thơ

Nguyễn Thành

Lời tự tình

Thật êm ả. Khoảng trời sớm mai, khi mà những hạt bụi còn ngủ im chưa nhảy múa trong trong nắng, gió, sương đêm ướp dịu không gian. Mặt trời còn bận trang điểm.

Tôi ngó nghiêng ra trước sân chỉ có những chú chim sâu dậy sớm líu lo, chao lượn từ tán cây xanh xuống bờ tường lách cách đôi chân nhỏ xíu đáng yêu, nếu tôi không hòa mình vào bữa tiệc này thì thật đáng tiếc. 

Sự khởi đầu của một ngày mới, tôi nhắc chiếc ghế đặt cạnh bờ tường, một góc ngồi đọc sách thú vị, thói quen nữa tiếng đọc sách buổi sáng. Trên tay tôi là tập thơ “Hồn thôi mưa tạnh” của nhà thơ Nguyễn Thành. Tôi lật từng trang giấy mỏng và theo tác giả qua miền cảm xúc.

Nè bạn! Nếu bạn có duyên với thi ca, bạn đang chạm vào “Hồn thôi mưa tạnh”. Cầm tập thơ trên tay, bạn nghĩ tác giả là người thế nào? Hãy cùng tôi nhé, khám phá tập thơ này để hiểu thêm về con người anh ấy.

Tôi xin phép không bình về kỹ thuật và tài năng của tác giả, vì những điều này đã được các nhà bình văn học nói đến, tôi chỉ xin được phép hòa vào cảm xúc trong từng con chữ mà tác giả đã thổi hồn, bật lên được những cung bậc trong mỗi bài thơ để độc giả bắt gặp mình đâu đó trong những lời tự tình của anh.

“Buồn như trấu cắn… Trời ơi!
Ai thò tay bóp tả tơi cõi lòng
Cho hồn rách cả hư không
Để đêm mòn mỏi ngóng trông mộng về…”
(Soi đời hẩm hiu)

Bạn và tôi cũng đã có lúc như thế. Cái cảm giác ray rứt tưởng chừng ai đó cào cấu tâm can. Khi phải đối diện với thất bại, với những nghịch cảnh của đời sống. Hay có lúc chỉ là một cơn gió lùa đám lá rụng trên mái hiên trong đêm cô tịch, ta như sờ được nỗi cô đơn đặc quánh chung quanh.

Tác giả đã lột tả hết tận cùng sự chà xát của nỗi buồn để rồi vùi vào cơn mộng say một đợi chờ. Cũng nên như thế! cho phép mình đắm vào sự huyễn hoặc tê cứng cảm xúc trong phút chốc.

“Buồn thật… Rượu vô càng thấy buồn
Đời như nắng ráng hoàng hôn
Phất phơ ánh rải ven bờ cỏ
Từ đáy nhìn lên một chấm tròn…”
(Cái bóng dửng dưng)

Ngày sống luôn phải tiến về phía trước, phải không bạn? Vậy sao có lúc ta cứ mãi ngoái nhìn lại? Phần phong phú trong thơ của tác giả như những hạt mầm nảy lên phiến đất hồng hoang ta lấp bằng những sắc màu hiện tại, một ảo ảnh giả thật mông lung.

Ta tìm vui trong chút bụi trần như cánh hoa kia bám vào kẽ đá lạnh, chùm hoa mọc rễ bám xuống chút đất ít ỏi cho cánh hoa vươn lên tự do trong nắng. Cánh hoa kia không để ý đến người xem, vì khi để ý đến người xem là đã đặt một điều kiện cho mình thì sự tự do không còn nữa.

“Mưa cứ dập vào nỗi nhớ xưa
Trái tim đau mãi vẫn chưa chừa
Hạt rơi từng giọt sầu lau lách
Tức bật tung mầm những chát chua…”
(Thổn thức mưa chiều)

“Mặc kệ tiếng đời lanh lảnh kêu
Thi ca chợ ế buổi tan chiều
Gieo vần, nối chữ tàn thương tích
Bụng đói, mắt mờ vẫn cứ phiêu…”
(Sầu quanh chén rượu rơi buồn)

Cuộc đời như một lăng kính muôn màu. Ta nằm đâu đó mặt này hay mặt kia của cuộc sống. Tâm thức luôn muốn vươn lên như hoa Hướng Dương tìm mặt trời. Tìm cái tốt đẹp đã bị những lo toan đời thường, khiến chúng ta luôn bận rộn để rồi nhắm mắt lao tới trên con đường cố hữu của mình.

Chúng ta có quen với việc đứng lại kiểm tra mình và tự hỏi: Phải chăng tất cả chỉ có thế? Tôi bỏ sót điều gì chăng? Sự trăn trở và ước muốn đi tìm cái thực tại tốt đẹp được tác giả thể hiện nhẹ nhàng nhưng nghe sâu thẳm một khát khao

“Trời sáng nay lung linh tà áo mới
Đất chuyển mình rộn rã khúc nghê thường
Nắng vàng len qua nhành lộc biếc
Nhịp nhàng theo làn gió
Run rẫy vũ điệu mùa xuân…

Ta vẫn tỉnh mê trong chốn vô thường
Muốn tìm về cội nguồn trong tiềm thức
Gõ cửa mùa xuân cũ
Tìm lại vị ngải hương ta say từ dạo ấy…”
(Gõ cửa mùa Xuân cũ)

Biết là thế, những trăn trở đời thường, những khát khao tốt đẹp. Bên trong người đàn ông ấy vẫn vọng về ký ức ngày tháng thanh xuân, tuổi thơ thật dễ thương. Nó như những hoa nắng xôn xao, làm mềm cảm xúc, để mỗi lần nhớ lại ta không khỏi cười một mình với những nụ vu vơ.

“Ngày xưa chung lối trường làng
Đuổi hoa bắt bướm chiều vàng chân mây
Tuổi thơ vương dấu những ngày
Bên bờ suối vắng bay bay cánh diều”
(Trích Hoa mắc cỡ)

“Lạ thật
Thủa ấy
Oánh lộn với thằng to con chẳng sợ
Đứng trước mặt cô gái bé tẻo teo
Tim đập bình bịch muốn rớt ra ngoài
Chỉ có mấy từ thôi
Mà cứ ấp úng mãi chẳng thành lời
Dù hôm trước đã tập nhuần nhuyễn trước gương…”
(Lạ thật)

Mẹ là điều tuyệt vời nhất trên thế gian. Phải không bạn? Tình cảm đó được ví như biển cả mênh mông, biển ôm từng con sóng, cứ thế lặng lẽ, dịu êm cho đến cuối chiều. Đôi lúc ta yêu mẹ đến vô cùng, nhưng không biết bày tỏ không diễn đạt được. Bạn hãy đọc những câu thơ này nhé! Xem tác giả trải hộ lòng ta nhưng yêu thương dành cho mẹ như thế nào!

“Mẹ giờ tóc đã muôn chiều
Chiều quên, chiều nhớ thêm chiều phôi phai
Nắng tàn ru chiếc lá bay
Thu như cuối độ thoảng lay lắt buồn…

Ngày mai rồi lại ngày mai
Mẹ già như chuối chín cây đợi chờ
Hoa xuân nở muộn bên bờ
Con đây ôm cả một trời quắt quay…!”
(Mẹ tôi)

Tác giả là một người đàn ông của gia đình. Trân trọng một nửa yêu thương của mình. Cái vẻ ngoài điềm đạm của anh được thoát ra từ bên trong, tôi nghĩ thầm “là điểm tựa bình an cho chị ấy đây”, mỗi người một con đường.

Có con đường nào mà chẳng chông gai, gập ghềnh. Có những lúc nắng gió, mưa dầm, cũng có lúc mơ hồ lạc lối, tình yêu và sự đồng điệu hòa làm một đã dẫn lối chung đường. Sự ngọt ngào bằng cả tâm mình tác giả gởi vào thơ những lời dung dị, đậm nghĩa tình dành tặng cho người phụ nữ của mình nhân ngày tám tháng ba, thật cảm động.

Thật bồi hồi khi đọc bài thơ này. Không biết bạn có giống tôi không? Luôn ngưỡng mộ những cặp đôi hạnh phúc. Họ đã đi với nhau một chặng đường rất dài, và họ đã phải chiến thắng bản thân cũng như khó khăn đường đời, để cả hai luôn là một nửa của nhau mỗi người chỉ là một nữa bạn nhé! Mới khép tròn yêu thương.

“Ngày này tháng nọ năm xưa
Anh chờ em dưới cơn mưa mùa
Chẳng hoa cũng chẳng có quà
Có con tim nóng vỡ òa nhịp yêu

Mà sao tình đượm bao điều
Vi vu trên phố những chiều dạo chơi
Mồ hôi đọng giọt đầy vơi
Mặt ngời rạng rỡ nụ cười trao nhau

Số mình hai đứa chẳng giàu
Vẫn nên duyên nợ vẫn âu yếm nồng
Trải qua gian khổ chất chồng
Cửa nhà yên phận nợ đồng lần qua

Tay em những ngón ngọc ngà
Nâng anh từng bước thăng hoa với đời
Nhọc nhằn giấu dưới nụ cười
Ân tình nghĩa nặng ngời ngời tháng năm

Lặng trôi trăng đã  quá rằm
Vết nhăn ẩn dưới thăng trầm  nhuốm sương
Trăm năm nợ vẫn còn vương
Tay anh vẫn đủ yêu thương ôm tròn
Trao em triệu triệu cánh hồng
Từ tim anh nở đượm nồng sắc xuân.
(Thơ tặng vợ 8/3)

Đọc Nguyễn Thành, mỗi một con chữ như là nắng, gió như khí trời gần gũi. Tác giả đã lật qua từng lớp thời gian với những bi, ai cuộc đời để rồi từ đó vươn lên trong một khát vọng tốt đẹp. Tôi đã bị cuốn vào “Đời thôi mưa tạnh” từ con chữ đầu tiên.

Hãy đọc chậm để cảm nhận bạn nhé! Những vần thơ chạm vào trái tim. Nếu một lần được gặp nhà thơ Nguyễn Thành bạn sẽ thấy thơ và người luôn gần gũi với đọc giả!

Cám ơn tác giả đã tặng cho đời một tập thơ hay!

Lê Yên,  3/19.

Lời giới thiệu tác phẩm: Đoạt hồn Tam Tuyệt(2)

Lời giới thiệu tác phẩm: Đoạt hồn Tam Tuyệt(2)

Lời giới thiệu tác phẩm:

Đoạt hồn tam tuyệt (2)
Nhà văn Mạc Dung

Tôi nôn nao một cảm giác khó tả, cảm giác hai bàn chân nhanh hơn một thời tuổi thơ. Tìm một góc yên tĩnh với cuốn truyện kiếm hiệp trên tay.

Ngày xưa những tác giả nổi tiếng của Trung Quốc như: Kim Dung, Huỳnh Dị, Cổ Long… với thế giới tưởng tượng phong phú trong tác phẩm đã hút hồn tôi say mê.

Nhân vật chính là những trang tuấn kiệt và giai nhân, những anh hùng cái thế. Với thiện, ác đấu đá tranh giành, tạo nên kịch tính hấp dẫn. Hiện tại tôi được đọc một bộ truyện kiếm hiệp không kém phần hấp dẫn của tác giả Mạc Dung.

Người Việt Nam, thật sự bái phục tác giả. Tính yêu văn học, say mê tìm tòi hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Với một cây bút có tâm, cho dù tác phẩm là một thể loại kiếm hiệp hư cấu vẫn đầy tính nhân văn.

Tôi cảm nhận: Một khi đã đặt bút, từng chữ như là tâm huyết tác giả gởi gắm cho đọc giả. Với một tâm tưởng phong phú tác giả đã có nhiều tác phẩm hay! Đoạt Hồn Tam Tuyệt xứng đáng được trân quý trên kệ sách của những người yêu văn học!

Xuyên suốt Đoạt Hồn Tam Tuyệt, tác phẩm có tính giải trí cao. Xa rời đời sống thực tại nhưng vô hình chung, trong thế giới tưởng tượng đầy hư cấu đó, đất trời vẫn bạt ngàn xanh ngắt, trời, mây, non nước hữu tình, có tình yêu, tình bạn. Cái xấu được che đậy dưới nhiều danh xưng, mặt nạ để rồi tội ác hiện hữu. Và cuối cùng cái thiện cũng thắng cái ác.

Anh hùng cái chết nhẹ tựa lông hồng nhưng ân tình và lời hứa nặng tựa Thái sơn. Cao phong (nhân vật nam chính) dù tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc vì trúng kịch độc mà ngất đi quá một tuần trăng.

Khi tỉnh dậy trăn trở đầu tiên vẫn là đi tìm Lâm Gia Hân. Người con gái đã in bóng hình trong tâm trí chàng trai. Trong lòng đau như cắt, lệ khô thấm ngược vào trong: “Ai bảo anh hùng không rơi lệ? Thật ra giọt lệ của anh hùng đôi khi bi thảm hơn kẻ khác. Nó không chảy ra theo thói thường tình mà lại chảy vào một nơi không lời bày tỏ”.

Tình bạn chí cốt giữa ba chàng trai: Cao Phong, Lý Bằng,Trương Chí. Mỗi người một cá tính, nhưng có một điểm chung đều hào hiệp trượng nghĩa sống chết có nhau khiến ta ngưỡng mộ.

Giang hồ hiểm ác, tìm đâu ra tri âm, tri kỷ. Những mẫu đối thoại như: “Con người căn bản, có thiện tâm. Chẳng qua họ bị dục vọng làm mờ mắt” hay là: “Phải hòa mình vào cuộc sống mới hiểu hết nỗi thống khổ của bàn dân thiên hạ. Chỗ đứng của người nghèo và kẻ yếu thật sự không tồn tại”.

Tác giả muốn gì đây? Muốn đi tìm sự công bằng ư! Muôn đời trong nhân gian, kẽ mạnh hiếp kẻ yếu, người gian manh đầy mưu ma, chước quỷ luôn hại người.

Bã hư danh làm mờ con mắt thiện. Sự nhạy cảm như tơ đàn rung lên xa xót khiến tự do không còn khi trong tâm bao nhiêu ràng buộc, phiền não. Một trang hào kiệt với thuật khinh công tuyệt đỉnh, nhún mình một cái là vút đi như cơn gió không chạm ngọt cây. Vậy mà tâm tư nặng trĩu. Phải chăng vì hai chữ nghĩa tình! 

Qua bốn mươi chương của Đoạt Hồn Tam Tuyệt. Trải dài xuyên suốt, mỗi một chương đều có sự gay cấn, hấp dẫn giữa những tranh dành, đúng sai xuyên suốt. Bên cạnh đó không thiếu ân tình, nghĩa hiệp giữa sáng tối đan xen. Sự đan xen đó như một lực hút dẫn ta luôn dõi theo từng nhân vật, từng câu chuyện và mong một cái kết đẹp. 

Mạc Dung là một nhà văn đa tài. Nghiệp văn chương như là máu thịt không xa rời. Ông từng là một nhà báo, trong ban biên tập của tòa soạn tỉnh Vĩnh Long. Ông đã sáng tác nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài, truyện ma liêu trai chí dị. truyện tình cảm tuổi mới lớn. Thơ và bình luận văn học. 

Không phải ai cũng được cuộc đời đãi ngộ. Con đường mưu sinh của ông cũng khá gập gềnh khiến ông bỏ bút mười năm! Nhưng con chữ cứ mãi thôi thúc, tràn đầy trong tâm tưởng của ông, như nợ phải trả với đời.

Ông đã trở lại và cây bút của ông vẫn đầy nội lực. Chúng ta đã có Đoạt Hồn Tam Tuyệt hai trên tay. Hãy cùng tôi bạn nhé! Khám phá thế giới kiếm hiệp hư ảo như là một trải nghiệm nhân, tình, thế, thái trong một thế giới không có thực.

Tại sao tác giả phải mượn cái hư cấu đó? Phải chăng sự khát mơ chân, thiện, mỹ giữa thế giới thật, đôi lần trong cuộc đời tác giả đã khóc cười bên ly rượu cay. Để rồi thoát thai vào tác phẩm để lại cho đời.

Cám ơn nhà văn Mạc Dung với cả tâm huyết dành cho văn học. Để cho ra đời từng đứa con tinh thần, sẽ ở lại với đời những tác phẩm hay. Tôi tin rằng không phải bây giờ truyện của ông lưu hành trên các trang mạng và được đọc trong những câu chuyện ma hấp dẫn người nghe, mà còn lưu truyền mãi với thời gian.

Cám ơn bạn đã đến với tác phẩm Đoạt Hồn Tam tuyệt. Mong rằng món ăn tinh thần này thỏa niềm đam mê văn học của bạn. Đó cũng là sự trân quý chúng ta dành cho nhà văn Mạc Dung. Cám ơn ông rất nhiều. 

Lê Yên.
Sài Gòn 26/6/19.