Cảm nhận thơ: Nhà thơ Tống Thu Ngân

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Tống Thu Ngân

Cảm nhận thơ:

Nhà thơ
Tống Thu Ngân

Dòng Sông Trăng

Ánh sáng đó trải dài như một dòng sông. Bàng bạc, dịu dàng, đắm say, cứ thế từ nơi cao nhất cho đến lá cây, ngọn cỏ, ánh sáng như thầm thì, nâng niu từng chút cảm xúc để rồi nhẹ nhàng len lỏi vào tâm tư… Cảm giác chậm lại để giữ lấy sự thăng hoa chạm vào ánh trăng vàng không thể thiếu nơi nhân gian.

Tôi mở rộng cửa bước ra bên ngoài! Trời đêm se lạnh với trăng Thu. Trăng miên man và cứ thế bất tận. Tôi liên tưởng đến dòng thơ nữ sĩ Tống Thu Ngân. Như một dòng sông trăng trôi trên vạn vật. Yêu thương! Yêu thương không mỏi mệt, từng chút cung bậc cảm xúc con người cho đến thiên nhiên đong đầy trong trái tim Mimosa Tím. Thời gian cho nhà thơ trải nghiệm cuộc trần ai. Tất cả đã gieo mầm trong một tâm hồn đẹp, nhạy cảm. Đến một ngày con chữ chắp cánh thoát thai hóa thơ bay lượn… Trong tâm tưởng tôi, đôi cánh mỏng thiên thần mang cảm xúc đến, và bắt gặp mình đâu đó trong giọt nắng, giọt mưa, niềm vui hay nỗi buồn khát khao tốt đẹp trong dòng thơ lấp lánh bạc.

Tôi viết bài này trong ngày tháng bảy. Khoảng thời gian người con luôn nao lòng nhớ về mẹ. Cảm xúc đó như vỡ bờ khi bắt gặp những vần thơ Tống Thu Ngân đã viết:

“Mẹ đã đưa các con đi khắp nẻo đường đời
Đưa các con đến những chân trời ước mơ
Các con đã bay xa, bay cao và có bao giờ nghĩ lại
Ở cuối con đường một mình mẹ đứng chênh vênh…”
(Con Đường Của Mẹ)

Những gì mẹ đã làm cho con, ưu tư trong lòng mẹ. Mẹ ơi! Lòng con nặng trĩu,  Con yêu mẹ.

Chỗ của mẹ luôn là cao nhất trong trái tim con. Không có sự biết ơn nào vừa với yêu thương và hy sinh mẹ đã cho. Không có một thứ tình nào sánh bằng tình mẹ. 

Con đã nhìn thấu, mẹ ơi! Con đường đó mẹ đã trải qua để có con ngày hôm nay và rồi sớt chia với con đắng cay cuộc đời những lúc con yếu đuối, đau khổ nhất. Chỉ cần có mẹ ở bên, lòng con nhẹ nhõm đi nhiều.

“Đã tự bao giờ vắng những bữa cơm
Có cha mẹ và các con đông đủ
Đã tự bao giờ nếp nhà xưa cũ
Đã phai lần trong cơn lũ văn minh…

Bữa cơm nghèo ngày xưa còn có được
Mẹ bới cơm, cha đưa chén đợi chờ
Bữa cơm nghèo đầy đủ con thơ
Ông bà cùng ngồi mâm rộn rã…
(Bữa Cơm Gia Đình)

Đọc những khổ thơ trên của tác giả sao giống hình ảnh bữa cơm ngày xưa từ gia đình tôi. Và tôi tin chắc rằng, nếu quay ngược thời gian về thời điểm đó những bữa cơm gia đình đều quay quần, đầy tràn yêu thương được sự chăm sóc từ các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Cuộc sống càng văn minh “Bữa Cơm Gia Đình” trở nên như thứ xa xỉ… Chạy theo văn minh và cảm giác yêu thích vật chất, khiến ta mất nhiều thời gian với ngoại vật! Đời người được mấy trăm năm mà thả trôi trong phung phí đam mê, quên mất những người thân yêu bên cạnh, biết đâu ngày mai ta không còn cơ hội… “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” (Nguyễn Du) 

“Hái vội nhánh buồn quẳng ra sông
Cho dòng nước ngược chảy vào lòng
Thế gian rộng quá mà sao hẹp
Nên để nỗi buồn chảy vào trong…
(Hái Vội Nhánh Buồn)

Hay quá! Tôi không khỏi buột miệng thốt lên như thế. Dòng thơ “Ngụ Ngôn Tình” của Tống Thu Ngân rất riêng, không lẫn với ai được, cũng không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác giả hay dòng thơ nào. Mimosa Tím đã đưa cảm xúc hòa vào con đò, dòng sông, trái bầu, trái bí… Chuyển tải mọi cung bậc trong nội tâm con người để nhìn rõ hơn khi mình đứng ở góc độ khách quan nhìn lại. (Hái vội nhánh buồn quẳng ra sông/ Cho dòng nước ngược chảy vào lòng/ Thế gian rộng quá mà sao hẹp/ Nên để nỗi buồn chảy vào trong…) Cô đơn và thật nao lòng…! Tìm đâu tri âm, tri kỷ. Con người cảm thấy cuộc sống trở nên tẻ nhạt, vô vị khi chiều hướng hưởng thụ thực dụng lớn dần, họ củng cố địa vị và cái tôi, hầu được tôn vinh. Ganh đua là điều tất yếu. Niềm tin vào con người cũng giảm đi, phòng thủ trong thế giới riêng mình giữa một thế gian rộng đầy biến động… Cho dù nỗi buồn có chảy vào trong, tác giả đã chuyển hóa nỗi cô đơn, tìm thấy hóa thân của mình qua dòng “Ngụ Ngôn Tình” được độc giả yêu thích đón nhận.

Tại sao ta phải yêu người, yêu đời, yêu thiên nhiên vạn vật và phải biết yêu thương bản thân? Mỗi ngày biết tặng cho mình cho người những nụ cười yêu thương, là quà tặng nên không cần phải đắn đo suy nghĩ, bởi con người không có tình yêu như ngày thiếu nắng…

“Không thể nào ở mãi trong bóng đêm
Con sẽ bước ra ánh sáng mặt trời
Với nụ cười tỏa nắng
Với tình yêu nhân loại lên ngôi…”
(Rồi con sẽ bước ra ánh sáng)

Tôi cứ mải mê đọc và muốn viết, muốn cảm theo cách riêng mình. Nhưng chắc một điều tôi phải nhường sự hấp dẫn, lôi cuốn này cho bạn đọc tự trải nghiệm để cho ra kết luận. Nữ sĩ Tống Thu Ngân luôn tặng độc giả một cái nhìn mới, lạc quan, tích cực qua dòng thơ tăng trưởng không mệt mỏi, giàu chất liệu cuộc sống.

Mỗi người đến trong cuộc đời có một sứ mệnh và giá trị. Nữ sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím) không muốn lựa chọn một tên tuổi, nhưng tự thân nó đã hiện hữu, tồn tại và khẳng định… Tất cả cứ nhẹ nhàng như một dòng sông chảy theo mạch nguồn từ đất mẹ thiên nhiên. Mạch cảm xúc của nhà thơ thật phong phú trong tất cả mảng đề tài với chất liệu sống không bao giờ cạn. Thơ với Mimosa Tím như hơi thở, khí trời, là món quà thượng đế ban tặng… Như trái tim mách bảo “Hãy thổi hồn vào thiên nhiên vạn vật…” Nhờ đó chiếc lá xanh hơn, tia nắng ấm áp hơn và giọt mưa biết cuốn trôi rửa sạch nỗi buồn.

Cô sinh viên ban C với những vần thơ mộc mạc, giản dị, cho đến khi đứng trên bục giảng đường với chuyên môn giảng dạy, niềm đam mê văn chương trong lòng vẫn tha thiết. Sự rõ ràng, khoa học không làm cho dòng thơ khô khan cứng nhắc, chỉ thêm phần chặt chẽ, logic khi bước vào không gian con chữ. Đó là ưu điểm nổi bật trong dòng thơ nữ sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím).

Thượng đế đã gieo một hạt giống trong trái tim nhỏ ngày chị đến nhân gian, và hạt giống đó đã sinh sôi nảy nở giữa hạnh phúc lẫn đau khổ cuộc đời. Hạnh phúc và đau khổ luôn là một cặp chẳng tách rời. Con người cảm nhận được đau khổ mới thấu đạt ý niệm thế nào là hạnh phúc.

Mỗi thi phẩm đều xuất phát từ sự thật, trải nghiệm, thơ Mimosa Tím giàu hình ảnh, tính nhạc, dễ gần với mọi tầng lớp độc giả. Mỗi một bài là một thông điệp cuộc sống, muốn đánh thức bản thân, trong sâu xa muốn thức tỉnh nhân loại… Khi đặt bút xuống, dù đề tài nào vẫn là kim chỉ nam cho yêu thương, tích cực lạc quan, và độc giả có thể nhận ra điều đó ở khổ thơ cuối. Tống Thu Ngân không thả trôi sướt mướt hay chán nản uất hận, vì nhà thơ ý thức được tầm ảnh hưởng, ít, nhiều, đến độc giả, để dẫn người đọc đến sự truyền tải năng lượng tốt đẹp!

Một lần tôi được trao đổi cùng nữ sĩ Tống Thu Ngân. Mimosa Tím đã nói lên những đam mê, khao khát của mình, muốn đưa văn học Việt Nam hòa nhập cùng thế giới, muốn gìn giữ văn hóa Việt với tất cả yêu thương và trân trọng.

Mimosa Tím đăng thơ trên các trang mạng từ 2014 và bắt đầu viết chuyên nghiệp từ 2017 cho đến nay. Với một nguồn năng lượng không cạn nhà thơ đã chạm mốc 1500 thi phẩm. 150 bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Đã xuất bản 6 đầu sách. Sắp tới chị dự định ra thêm đầu sách thứ 7. Phải chăng trong chị là mạch nguồn một dòng sông luôn đắp bồi phù sa đôi bờ và cứ thế miệt mài cống hiến không ngừng nghỉ. Tâm an định giữa dòng đời vạn biến/ Hiến cho người trái ngọt đến muôn niên.

Tham gia hầu hết các nhóm thơ trong và ngoài nước, gần đây nữ sĩ Tống Thu Ngân sáng tác nhiều thi phẩm bằng tiếng Anh, được nghệ sĩ văn học các nước đăng lên trang nhà. Đó cũng là niềm vinh dự cho chị, một nhà thơ gốc Việt được hòa nhập, tạo niềm tự hào cho văn học Việt Nam.

Nhắm mắt lại thả trôi cảm xúc… Không biết tôi có giống bạn không? Hãy đến và khám phá dòng thơ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím), biết đâu bạn sẽ tìm thấy con sông cảm xúc từ chính mình thăng hoa qua từng thi phẩm thơ nhạc thật nhẹ nhàng, bàng bạc lẫn vào mênh mông. Tôi nhìn thấy ánh sáng đó bất tận… Cứ thế mênh mông…!

Cám ơn Nữ Sĩ Tống Thu Ngân (Mimosa Tím) với sự cống hiến, góp phần nâng tầm và gìn giữ văn học Việt Nam trong muôn phần trân trọng!

Lê Yên
Sài Gòn. 10/9/2020

Níu chiều

Níu chiều

Níu chiều

Ở lại chiều ơi… Đừng đi vội

Ta để quên nỗi nhớ bên thềm

Rơi yêu thương trên đường đi tới

Len lén qua ngày sợi trống không.

Ta níu chiều một chút nắng loang 

Để hong khô bao nỗi muộn phiền

Ta gom lá nhóm lửa tìm ánh sáng

Đợi chờ đêm về gió lạnh triền đê.

Ừ, xoè tay ta đếm nụ cười

Rớt đâu rồi lúc nhạt nắng Xuân

Thuở trái tim mãi dõi theo người

Từ đó bên đời nắng bâng khuâng.

Nắng tắt lòng ta chừng đêm tối 

Trải mông lung mỗi độ chiều rơi

Ta níu sợi vàng dò bước tới

Nghe dư âm một thoáng tình lơi.

Lê Yên.
3/19.

Có phải thu phai

Có phải thu phai

Có phải thu phai

Tháng bảy mưa ngâu giọt sầu lơi

Thu về đưa tiễn Hạ ra khơi

Vài ba chiếc lá buồn theo gió

Lắt lay năm, bảy giọt mưa rơi

Loanh quanh ngày cũ nhàn nhạt vơi

Chẳng chút hương xưa, chẳng gọi mời

Hình như ta đã vàng theo nắng

Cuối dốc đời kia sáng chẳng màng

Có phải Thu phai… Tháng bảy về…!?

Lê Yên.
1/7/19. SG.

Chị tôi

Chị tôi

Chị tôi

Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buột miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…” Nắng Sài Gòn dễ thương như vậy đó…

Sáng nay chị gọi điện từ quê vô. “Dạ em nghe!” Tiếng chị: “Trong đó có mưa không?” “Dạ không. Ngoài mình mưa hả chị?” “Mưa suốt, mưa này chỉ có ăn rồi trùm mền đi ngủ.” Tôi bật cười: “Vậy chị tranh thủ ngủ đi cho mập nhé!” Đầu dây bên kia tôi nghe tiếng chị cười.

Cứ như thế! Một hai ngày lại điện thoại. Mới cuối tháng mười một, đã gọi hỏi đăng ký vé xe về quê ăn tết chưa? Trẻ con mong tết để có tiền lì xì, còn chị mong tết để gia đình quây quần sum họp, bù lại quanh năm chỉ quạnh quẽ với cha già.

Là chị cả, chị như người mẹ thứ hai. Từng đứa em chị ẵm bồng chăm sóc, tất cả mọi thứ phải ưu tiên cho các em và thế chị cứ thụt lùi lại phía sau.

Tôi nhớ một kỷ niệm ngày xưa với chị. Sáng nào chị cũng quét lá rụng đầy trên cái sân rộng, tôi cứ đi theo lẽo đẽo hỏi đủ thứ chuyện, chị trả lời miết rồi mệt, lại vướng chân. “Đi chơi đi.” Tiếng chị dịu dàng. “Vẫn còn nhiều chuyện muốn hỏi làm sao đi!”. Chị trở cán chổi quất cho một cái vô giò “Ui. Đau quá! Nghỉ chơi chị luôn, không nói chuyện với chị nữa.” Tôi giận dỗi bỏ đi một nước. Ngủ một đêm sáng ra chị lại quét sân. Con nhỏ tôi ngày xưa lại theo sau. Tiếng chị “Ngày qua đứa mô nói nghỉ chơi với chị?” Tôi sực nhớ. “Ừ ha! Nhưng đó là chuyện hôm qua, em quên mất rồi! Hihi” Hai chị em lại cười nói. Chị em gái là như vậy đó.

Từng đứa em lớn lên, chị đứng qua một bên nhường đường. Cha mẹ ngày một già yếu chị phải phụng dưỡng.

Tuổi thanh xuân chị tươi như hoa buổi sáng, cùng ong bướm dập dìu. Nhưng rồi chị vẫn đứng trong hàng rào của bổn phận, của lễ giáo ngày xưa. Tâm tưởng chị có mộng mơ yêu đương nào dám đi đến cùng đích của bến bờ hạnh phúc. Và thế là một đôi chàng ngang qua không dừng lại. Chỉ có chị ngày qua ngày lặng nén nỗi buồn như hoàng hôn giấu kín một mặt trời.

Tôi nhớ…! Chị khoe: “Kỳ này đám cưới thằng Cu, chị mua xấp vải đẹp may áo dài.” Tôi ủng hộ chị. Chiếc áo dài được may xong, ủi thẳng treo trên vách như xôn xao theo chủ nhân nó. Ngày tôi về đám cưới em trai, chị mặc thử, săm soi trước gương “Đẹp không em?” Thấy thương chị quá! “Đẹp! Đẹp lắm chị” Chị cười mắt sóng sánh niềm vui. Trong tôi chị rất đẹp! Dù năm tháng đã lấy hết tuổi xuân. Chị như cơn gió heo may hắt hiu cuối thu chuyển mùa…

Ngày đám cưới mọi người rực rỡ đủ sắc màu, riêng chị từ sáng đã bận bịu bếp núc đi chợ. Một tổ nấu gồm chị em bà con xúm lại giúp một tay trong gian bếp dựng tạm phía sau nhà, một bên là giếng nước trong veo được múc đổ đầy thùng phi từ rất sớm. Bên kia là gốc chanh dây sai quả đang nép một bên nhường lối. Đầu này kêu, đầu kia réo, chị như con thoi chạy qua, chạy lại tối mắt. Hồi đó chưa có những dịch vụ nấu đám tiệc. Khổ cho chị rồi! Vẫn chiếc quần đen và áo cánh cộc tay cho đến khi tàn tiệc vì chị có lên được nhà trên đâu! Tôi nắm tay chị “Sao chị không mặc áo dài mới?” Chị cười hiền “Có mặc được đâu, bận tối mắt.” Thương chị quá! Chiếc áo dài tủi thân treo trên vách tường chờ ngày vui khác.

Ngày tháng qua… Chị không còn trẻ nữa. Chị như gốc me già thẫm màu theo thời gian không thay đổi. Bao mùa lá rụng thế thắt, buồn vui lặng lẽ.

Chị thuộc từng bước gập ghềnh trên con đường đất đi làm về mỗi tối. Mấy con chó trong xóm quen bóng chị như người nhà không sủa.

Làng quê ôm ấp chị, cái nắng, cái gió rát rạt siết lấy thân đến khô queo và khi mùa mưa tới cũng co ro với chiếc nón lá trên đường ra chợ. Ấy vậy mà chị bình yên. Chị yêu quê, yêu nhà, đi đâu một hai bữa nói nhớ, lại đòi về. Quê hương vẫn đầy ắp yêu thương trong trái tim mỗi người. Dẫu có chật chội, tình yêu ấy vẫn có chỗ không rời đi. Cầu cho chị bình yên!

Thương chị nhiều! Rồi chị như bụi chuối sau hè từng ngày bóc tách, rũ úa với nắng mưa. Những lúc buồn, chị có mơ về thuở thanh xuân cười róc rách trong veo cùng nắng, thẹn thùng khi trộm nhớ ai đó và rũ buồn khi người không đứng lại cùng chị tay trong tay.

Những dịp về thăm nhà, tôi bên cạnh chị như ngày xưa để nghe kể chuyện. “Chị nhớ… Chị nhớ…” Và cứ thế tôi ngồi lặng yên lắng nghe… Tâm tôi thầm nói với chị: “Hãy sống vui mỗi ngày chị nhé! Cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi mình không chỉ sống cho riêng mình…!

Cám ơn chị đã làm chị của em!!!

Lê Yên
Sài Gòn. 11/17

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Song Linh

Cảm nhận thơ: Nhà thơ Song Linh

Cảm nhận thơ:

Nhà thơ Song Linh

Biển sóng

Ai cũng đã từng đứng trước biển. Cảm giác mình thật nhỏ bé. Biển mênh mông, biển sâu thẳm. Biển đầy bí ẩn với những cơn sóng vỗ bờ. Âm thanh êm êm như ru và có lúc cuộn tràn cơn thét gào. Ta như con ốc nhỏ dạo chơi bờ cát, cưỡi trên sóng và phiêu lưu cùng gió với một khát thèm yêu thương. Một khao khát cháy bỏng lấp đầy khoảng trống cô đơn. 

Có một người cũng nhỏ bé trước biển. Nhưng tâm tư ông mênh mông như một đại dương. Hành trình qua từng bước dài, cuộc đời ghi nhớ tên ông. Những con sóng lao xao quất quýt đôi bàn chân cười dưới nắng mai. Rồi sóng lớn giận dữ, vô cảm trước những thất bại, nghịch cảnh. Đã nhấn chìm tất cả. 

Lắng xuống biển sâu bởi nhiều tâm trạng. Để rồi lúc bất chợt, nó trở về qua những vần thơ. Điều đặc biệt ở đây là: dù cho cuộc đời đã nhuộm ông với bao nhiêu gam màu, ông vẫn giữ được một trái tim ấm, một trái tim luôn hướng đến tình yêu, một trái tim nhạy cảm với con người, cuộc đời, tha thiết khát tìm, được trải lòng với những điều mà nội tâm muốn nói. Đó là nhà thơ Song Linh của chúng ta. 

Ông đã thốt lên:

“Đời của ta biết bao lần gió bão
Chợt yên bình đôi mắt đẹp ngây thơ
Nghe thánh thiện như lời ru của mẹ
Đưa ta vào cõi mộng thuở ban sơ

Đêm mênh mông biển trời xanh xứ lạ
Đêm ngọt ngào… Đêm sóng vỗ xôn xao
Ta hỏi nhỏ tình trăm năm có phải
Là thời gian từng phút của chiêm bao…”
(Hỏi tình trăm năm)

Trong tâm người đàn ông bị gió bão dập vùi đó, không chai sần một cách vô cảm. Mảnh đất hồn hoang thiếu nắng vẫn chờ cơ hội để hồi sinh. Tình yêu là điều nhiệm mầu cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa và giúp ta vượt qua tất cả buồn đau cuộc đời. Tác giả muốn nói với bạn và tôi “Hãy cứ yêu đi!” Vì tình yêu làm sống lại một tâm hồn chết đi bởi thương tổn. Rồi hồn nhiên đâm chồi nở hoa. Đó là điều kỳ diệu của tình yêu.

Một Song Linh đứng thẳng với những rung cảm: “Đời của ta biết bao lần gió bão/ Chợt yên bình đôi mắt đẹp ngây thơ/ Nghe thánh thiện như lời ru của mẹ/Đưa ta vào cõi mộng thuở ban sơ”. Tình yêu thật tuyệt phải không bạn? Nhà thơ Song Linh mượt mà với thơ tình. Đi suốt miền cảm xúc, qua nhiều cung bậc thăng, trầm của cuộc sống. Để rồi thoát thai gởi hồn vào thơ.

Thi sĩ Xuân Diệu đã nói như thế này: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Còn nhà thơ Song Linh yêu và trăn trở “Ta hỏi nhỏ tình trăm năm có phải/Là thời gian từng phút của chiêm bao”. Tình yêu vốn có trong tâm hồn. Nóng chảy hay lặng yên. Vẫn còn đó trăm năm. Cho dù là thoảng qua như cơn mộng vẫn không hối tiếc vì ta đã nếm trải mùi vị của tình yêu. Không uổng một lần bước đến nhân gian!

Yêu thương là bản năng tự nhiên của con người. Không chỉ có hạnh phúc. Cảm giác đau khổ khi yêu thương không trọn thật không dễ dàng để vượt qua. Phải chi ta yêu một giọt sương trong sáng sớm, yêu một dòng sông, yêu một chiều nắng đẹp cuối ngày.

Yêu một con người cơ nhỡ. Cảm xúc đó nhẹ nhàng qua. Đằng này ta yêu một con người! Một người lạ đánh động cảm xúc bên trong. Để rồi trở nên quen. Không thể thiếu. Mỗi sáng, mỗi chiều nỗi nhớ xót buốt tâm tư. Thi hào Nguyễn Du đã nói: “Đã mang lấy một chữ tình/Khư khư mình buộc lấy mình vào trong/Vậy nên những chốn thong dong/Ở không yên ổn ngồi không vững vàng/Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Người đời thường gán cho tình yêu hai chữ “Mù quáng” khi cảm xúc yêu òa vỡ. Con người chỉ biết lao tới với những thôi thúc khó kìm hãm được. Nhưng mấy ai được như ý! Nhà thơ Song Linh đã trải qua tâm trạng đó thật đau lòng.

“Sao em khóc mỗi lần ta gặp gỡ
Chiếc hôn chờ sao bỏ trốn đêm qua
Đêm ấm ức hồn cũng buồn da diết
Trên đỉnh trời một chiếc lá bay xa
Ta nhớ hoài buổi tối vấn vương nhau
Quán về khuya đôi mắt uống tinh cầu
Em chẳng nói cứ nhìn ta tha thiết
Ta vội vàng vuốt mặt giấu niềm đau
Em ra về trời cũng buồn rưng rức
Ta thẫn thờ quay quắt đếm niềm đau
Tình của ta em có còn nghĩ tới
Hay sóng về nghiệt ngã vỡ chia nhau.”
(Nụ hôn bỏ trốn)

Tình yêu cũng như sự sống. Phải được quan tâm nuôi dưỡng đúng cách. Nếu không có điểm tựa, không có sự gắn kết dựa trên nền tảng của lòng tin, biết bao dung, cởi mở, lắng nghe và thấu hiểu thì sớm chốc sẽ tàn phai. Một bình an, vững chãi giữa gia đình, xã hội, kinh tế và các mối quan hệ cộng hưởng khác. Biết dành thời gian và chăm sóc các vấn đề cũng như những mối quan hệ cần thiết. Đó cũng là chăm sóc tình yêu.

Tình yêu mong manh dễ vỡ. Tính mong manh dễ vỡ đó khi chưa thực sự được đón nhận. Nếu ta biết mở giới hạn của cái tôi để đón nhận một người. Biết mở rộng trái tim mình để yêu thương. Không còn giới hạn bởi tiền tài, danh vọng và sắc đẹp. Khi còn vướng mắc trong cái hẹp hòi, chật chội của phù vân mà muốn có một tình yêu đích thực. Rõ ràng đó chỉ là tham vọng. Sự ngộ nhận trong tình yêu dễ đi đến tan vỡ. Vì khi ta còn yêu bản thân mình quá nhiều thì còn đâu để yêu người. Hoặc giả có yêu người thì chỉ để thỏa mãn nhu cầu phục vụ bản thân mà thôi. 

Nhà thơ Song Linh viết như thế này:

“Tháng Chạp tôi đi vá cuộc đời
Gặp em ấm lại cõi lòng tôi
Tháng Giêng em gói hồn tôi lại
Tháng Bảy mưa về em bỏ tôi.”
(Không đề 5)

Tình yêu như viên ngọc quý mà tác giả nâng niu từng chút. “Gặp em ấm lại cõi lòng tôi” Chỉ một chút thôi! Như là đốm lửa giữa đêm Đông. Thôi thì trân quý những gì trong tầm tay. Tác giả còn biết khát khao yêu và được yêu. Một con người biết rung cảm. Biết cho đi và biết đón nhận.

“Ôi yêu quá! Cuộn len mềm xanh mượt
Em đan cho ta chiếc áo tình yêu
Đan đi em sương khói nắng Xuân chiều
Đêm dần xuống ấm nồng hương da ngọc

Đan đi em cho đời thôi nước mắt
Khắp phố làng tươi thắm những làn môi
Đan đi em bốn mùa hoa rực rỡ
Đẹp thêm lòng say đắm cõi trời côi…

Cám ơn em… nửa đời ta sùng bái
Gió lạnh về ta mặc áo tình yêu.”
(Đan áo tình yêu)

Một khát khao rất đẹp! Khát khao đó mạnh mẽ như những tia nắng mặt trời trên biển. Bình minh trên biển thật tuyệt vời nhưng hoàng hôn cũng đẹp không kém. Gom cho hết cái nắng của ngày, ôm vào trong khoảng thời gian thong dong của chiều. Thế là gói ghém, là yêu chiều. Tất cả dội ngược lại một thứ ánh sáng âm trầm, ma mị. Trải dài trên biển, lướt qua từng con sóng dìu dặt và trong đó. Ta con ốc nhỏ ngẩn ngơ ngắm nhìn. Chiêm nghiệm.

Nhà thơ Song Linh Thật sự thành công trên diễn đàn thi ca. Từ trong nước cho đến hải ngoại. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm và nhiều tuyển tập thơ in chung với nhiều tác giả rất thành công.

Sự điêu luyện và kỹ thuật viết được nhiều nhà phê bình văn học khen ngợi. Tôi nhớ một câu nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du). Tôi mạn phép ghi nhận sự hiểu biết giới hạn của mình qua cảm nhận những thông điệp, những tâm tình mà tác giả gởi gắm vào thơ.

Theo cách của tôi, nhà thơ Song Linh với một nội lực dồi dào trên suốt chiều dài sáng tác. Có những buồn đau ta ko biết gọi tên, không thoát ra được. Qua thơ ông, ta như được trải lòng. Điều đó thật đáng trân trọng.

Cám ơn nhà thơ Song Linh. Với nhiều tác phẩm giá trị đã để lại cho đời. Những vần thơ tuyệt tác.

Hãy tìm đọc thơ tình Song Linh bạn nhé! Bạn sẽ có cơ hội chiêm nghiệm tinh yêu. Tình đời với những cảm xúc rất thật được chấp cánh qua thi từ!

Một lần nữa xin cám ơn nhà thơ Song Linh rất nhiều.

Sài Gòn. 23/5/19

Cảm nhận thơ: Tác giả Hoàng Chẩm

Cảm nhận thơ: Tác giả Hoàng Chẩm

Cảm nhận thơ:

  Tác giả
Hoàng Chẫm

Có những lúc đầu óc trống rỗng, con chữ chơi trò trốn tìm, trống không một khoảng mênh mông. Nhắm mắt lại thì thầm “Ừ, ta nghỉ chơi đây.” Lãng đãng như một dòng sông lười chia cắt đôi bờ thương nhớ, trong đầu tôi thấy nước! Là sông! Không phải sông nước ngọt ngào miền Tây Nam Bộ.

Con nước đục ngầu, cuồn cuộn mùa bão lũ miền Trung! Cơn gió Lào thổi thốc, hanh khô rám da người. Cổ họng nóng ran cơn khát, chợt thèm một suối nước trong. Bẻ đôi cục đất nứt nẻ trưa hè, giữa ruộng lúa bao la.

Có một người đã đem suối thơ như thế tưới lên sự rát bỏng, khắc nghiệt làm mềm nắng cháy. Thế giới thơ của ông có đủ yêu thương, có đủ Xuân, Hạ, Thu, Đông và chắc một điều không thiếu chiếc lá vàng với những giọt mưa. Đó là nhà thơ Hoàng Chẫm.

 Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều dấu tích lịch sử. Quảng Trị,  cái eo miền Trung khắc nghiệt, như sự nén lại để đến thời điểm bung nở đóa hoa tuyệt vời. Thơ với ông như là hơi thở làm tôi chợt nhớ lời một bài hát “Quê hương anh là Quảng trị/Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn/ Thủa xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng/ Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung“.

 Chàng trai Hoàng Chẫm không ở bên dòng sông Thạch Hãn! Con đường từ nhà anh đến trường Nguyễn Hoàng xa hơn, đủ để cho những vần thơ vụng dại đầu đời ươm mầm dưới cơn mưa dầm, the thắt vào tháng ngày đông, hay những buổi tan trường nhạt nắng mà tưởng chừng Thu hiu hắt lỡ làm rơi lá vàng vương tà áo trắng. Tất cả, tất cả, với thời gian đã chín muồi làm nên một Hoàng Chẫm hôm nay.

“Về thôi em nghe quê nhà rót mật
Một ngày yêu nghe hương lúa trải mùa
Tay nhặt nắng cho lòng em trẩy hội
Neo đậu lòng quê quên những thiệt hơn…”

Gói ghém cho đủ yêu thương trên bước phong trần để rồi “Về thôi em nghe quê nhà rót mật” Ông chợt nhận ra mùi mạ non giữa đồng bát ngát trong ký ức luôn níu bước chân. Chỉ có quê hương và người con gái với tình yêu chân chất đi cùng ông qua năm tháng mới nghe được hương lúa trải mùa để rồi “Tay nhặt nắng cho lòng em trẩy hội” Sự xôn xao từ trong tâm, trống kèn từ bên trong và hạnh phúc hữu tại mỗi người.

Với loại thơ tám chữ mượt mà, không chỉ giàu cảm xúc nhưng còn thể hiện rõ bản ngã của mình giữa sân si cuộc đời, để rồi chọn lựa “Neo đậu lòng quê quên những thiệt hơn…” Và ông đã vỗ về người phụ nữ của mình như sau: 

“Về thôi em đếm bao ngày viễn xứ
Tình chưa phai khi bước dạo trùng khơi
Dẫu lầm lỗi lòng bung lên niềm nhớ
Tóc có phai mắc cạn một đầy vơi”

Phải chăng khi luôn tiến về phía trước với những bộn bề lo toan, được, mất trong cuộc đời, tâm ta luôn bị giằng xé bởi lực ngược chiều khiến mất phương hướng, bị cô đơn chiếm hữu. Cô đơn và sự trống trải giống như những bước chân lạc trong đêm tối không tìm được lối ra. Hoàng Chẫm đã thốt lên:

“Tôi tìm tôi giữa phù vân
Chốn đời lạc bước xa gần chiêm bao
Kiếp nào tình đã hư hao
Tôi đi tìm lại thủa nào yêu em “
(Không đề)

Tôi chợt nhớ những câu thơ Hàn Mặc Tử thốt lên hỏi kiếp nhân sinh:

“Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”
(Những giọt lệ)

Có phải các thi nhân với nỗi đau nhân đôi không? Sự tinh tế nhạy cảm trong tâm khiến họ như sờ nắn được những cảm xúc vô hình có sức mạnh thần chết. Hoàng Chẫm của chúng ta cũng không ngoại lệ. Ông đã thốt lên “Tôi đi tìm tôi giữa phù vân” hay “Chỉ là một cõi phù vân/ Sao ta lạc mãi chốn mê này“.

Thơ không ngừng chảy trong huyết quản ông, trăn trở với tình yêu đôi lứa. Tình yêu là lửa, là ánh sáng mà con người không thể thiếu như vạn vật thiếu ánh mặt trời. Có tình yêu, con người sẽ sống tốt, hoàn thiện hơn vì ai cũng muốn điều tốt đẹp cho những yêu thương của mình. “Thương nhau chín bỏ làm mười”.

Câu thành ngữ muốn nói đến sự độ lượng, bao dung muốn những điều tốt đẹp cho người khác không tính thiệt hơn. Đó là cách cư xử của những tâm hồn hơn người. Một sự khao khát hướng thượng. Với cách dùng từ rất lạ, ý thơ như vơi như đầy nhưng không thiếu mất một tấm lòng.

“Em như dấu tích xa xôi
Gieo lời tri kỷ bồi hồi… dạ thưa
Lấp đầy vụng dại ngày xưa
Tình như buổi chợ tan vừa nghe đau
Em như nắng đã ngả màu
Rụng đầy tóc gió úa nhàu đôi vai
Muộn màng một dấu hồng phai
Dấu thương còn lại trong ngoài mênh mông
Đôi bờ em níu dòng sông
Ngày đi thả mộng vừa nồng giấc mơ
Chút xưa bay ngược ban sơ
Trải lòng ban tặng để chờ có nhau”
(Chút lòng còn lại)

Tôi ngưng lại giữa chừng khi viết về Hoàng Chẫm. Chợt ngẩn ngơ khi đọc những câu thơ:

“Người đàn bà đã cũ
Giấu nỗi buồn trong đôi mắt
Nhớ kiếp người một bước trân chuyên
Sao phải lỡ Xuân thì
Sao nuốt niềm bi phẫn
Cuộc tình không hẹn mùa yêu
Đàn bà cũ gói nỗi buồn thế kỉ
Thầm nhớ đêm trần trụi một thuyền quyên…”
(Em đã cũ)

Lặng đi trong phút chốc. Người ta ví đàn bà là hoa hồng. Hoa hồng ở một thời xuân sắc hay là hoa hồng khi đi qua cuộc đời rướm máu, để rồi những giọt máu đó kết tinh thành những cánh hoa mang màu máu có bóng dáng hoa hồng. Những câu thơ chạm vào góc khuất người đàn bà muốn được quên, khi nước mắt chảy ngược vào trong! Người đàn bà cũ đi qua cuộc đời lặng lẽ như đêm ba mươi, cũng là đêm! một đêm dài. Thôi ta hãy để đó cho người đàn bà cũ chút mặc niệm tiếng yêu xưa, rồi sẽ qua, sẽ qua thôi!

“Ta xin…
Chạm với vô thường
Khoanh tay trầm mặc
Đo lường nhân sinh…”
(Chạm với hư vô…)

Hoàng Chẩm đưa tay với vô thường để đo lường nhân sinh. Tác giả ngộ ra cái tạm bợ từ kiếp người. Trải một đời qua bao thay đổi thời cuộc, những sân si của con người, ông đứng bên đời khoanh tay trầm mặc, vui với thiên nhiên cây cỏ.

Nhà thơ Hoàng Chẩm với lối viết trữ tình nhuần nhuyễn các thể loại thơ lục bát, thơ tám chữ và thể thơ tự do. Ông sinh ra để viết lên những tinh túy cuộc đời. Nhiều tác phẩm của ông được phổ nhạc và diễn ngâm, được in chung với nhiều tác giả tên tuổi khác. 

Tác giả đã tham gia viết cho các tạp chí ở trong nước như: Tạp chí Cửa Việt, Văn Nghệ An Nhơn, website Đất Đứng Hương Quê, Nhà Tương Tri Lục Bát. Com. Trang giới thiệu trên Diễn đàn văn chương và cuộc sống và các đặc san kỷ niệm trường cũ. Nếu bạn yêu thơ Hoàng Chẫm hãy lên google gõ “Trang thơ Hoàng Chẫm” bạn sẽ chạm được tinh túy trong  thơ của tác giả.

Với tâm thái một người yêu thơ, những cảm xúc hạn chế của tôi không nói hết sự phong phú trong thơ Hoàng Chẫm, cũng xin được mạn phép giới thiệu với các bạn trang thơ Hoàng Chẫm. Cám ơn tác giả đã góp cho đời những tác phẩm hay lưu cho hậu thế.

Một lần nữa xin cám ơn nhà thơ Hoàng Chẫm.

Lê Yên.
27/3/19. Sài Gòn.